Chính sách quảng cáo Facebook nêu rõ, mạng xã hội này không chấp nhận hiển thị quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm, dịch vụ người lớn... Tuy vậy, những quảng cáo này vẫn nhan nhản xuất hiện trong thời gian qua.

Gần đây, nhiều người dùng phản ánh các quảng cáo lách luật xuất hiện trên news feed của họ. "Các quảng cáo này sử dụng các ký tự đặc biệt hoặc dấu chấm giữa những từ nhạy cảm. Những từ này vừa khó đọc, vừa có nội dung xấu. Tôi rất bất ngờ khi Facebook nhận tiền để quảng cáo thuốc kích dục như vậy", Thùy Linh, người dùng Facebook ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ. 

Nhiều chiêu trò né kiểm duyệt từ Facebook

Trong email gửi đến Zing.vn, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam cho biết mạng xã hội này đã đầu tư nhiều nguồn lực hơn để giải quyết việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Facebook đang xét duyệt thủ công và xét duyệt tự động để loại bỏ các quảng cáo vi phạm chính sách.

“Để duy trì một cộng đồng an toàn và tôn trọng lẫn nhau trên Facebook, chúng tôi có Chính sách quảng cáo toàn cầu mô tả những quảng cáo nào được phép và không được phép trên Facebook. Sau khi được đăng ký, quảng cáo sẽ trải qua quá trình xét duyệt sâu rộng. Nếu quảng cáo đó vi phạm các chính sách này sẽ bị nhóm của chúng tôi từ chối", trích thông cáo từ Facebook.

Theo Engadget, Facebook còn thay đổi chính sách, bổ sung thêm nhiều từ khóa cần tránh. Bất kỳ nhà quảng cáo hoặc trang quảng cáo nào bị phát hiện sử dụng những từ này sẽ bị khóa tài khoản. Tuy nhiên, Facebook vẫn tỏ ra bất lực khi để lọt những mẫu quảng cáo bẩn xuất hiện trên mạng xã hội.

'Thao duoc doi yeu' tran lan tren Facebook o VN hinh anh 1
Một đoạn quảng cáo có 20/50 từ sử dụng các "thủ pháp" để qua mặt hệ thống quét nội dung của Facebook như xen vào dấu chấm, dùng từ đồng nghĩa, ẩn ý. 

Theo ông Lê Minh Hiệp, người làm lâu năm trong lĩnh vực quảng cáo đa nền tảng, những mặt hàng như nước hoa kích dục, thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng đều vi phạm chính sách quảng cáo của Facebook. "Trên lý thuyết là vậy, nhưng giới "cao thủ chạy ads" vẫn có những chiêu trò để né được sự kiểm duyệt này", ông Hiệp nói.

"Đầu tiên họ sẽ chuẩn bị một tài khoản Facebook có độ tin cậy cao. Để lấy được lòng tin từ Facebook, tài khoản này phải đáp ứng các điều kiện như đã từng chạy quảng cáo các sản phẩm sạch với lượng tiền lớn", ông Trọng Nhân, một người trong "giới chạy ads" chia sẻ.

Sau khi có được tín nhiệm từ Facebook, các trang này bắt đầu đổi hướng sang chạy những nội dung quảng cáo vi phạm chính sách. "Đa phần những từ khóa nhạy cảm sẽ được diễn đạt dưới dạng ẩn ý, không tập trung vào mặt hàng, dùng tiếng lóng... Đồng thời những từ khóa này sẽ được tùy biến lại bằng những ký tự đặc biệt của bộ mã Unicode", ông Hiệp nói thêm.

Vì bộ mã Unicode đủ sức qua mặt các bộ lọc quảng cáo tự động của Facebook, mạng xã hội này bổ sung vào quy định chính sách quảng cáo mục.

Cụ thể, chính sách quảng cáo Facebook không chấp nhận nội dung "sử dụng biểu tượng hoặc ký tự Unicode trong văn bản quảng cáo nhằm mục đích che giấu các từ hoặc cụm từ", "cách diễn đạt khiếm nhã, bao gồm lời lẽ tục tĩu được làm mờ một phần bằng dấu sao hoặc biểu tượng", "quá nhiều biểu tượng, ký tự hoặc dấu câu".

Sau khi vượt được sự kiểm duyệt của Facebook, những trang này sẽ "vít" (bơm tiền chạy quảng cáo hết công suất). "Một khi Facebook đã 'cắn' tiền, chủ trang sẽ chạy quảng cáo bất chấp lứa tuổi, ngành nghề, vị trí. Miễn sao quảng cáo của họ tiếp cận càng nhiều người càng tốt", ông Hiệp nói thêm.

'Cần có người duyệt quảng cáo thay máy'

Theo kinh nghiệm được chia sẻ trong cộng đồng chạy quảng cáo Facebook, mạng xã hội này dùng máy quét kiểm tra nội dung. Khi phát hiện bất thường hoặc nhận được quá nhiều báo cáo vi phạm, Facebook mới kiểm tra thủ công. Facebook sẽ khóa những nội dung này ngay lập tức. Tuy vậy, những trang bán hàng này vẫn tiếp cận được hàng trăm nghìn khách hàng trước khi bị khóa. 

"Với tỷ lệ chốt đơn cho những mặt hàng ngách này khá cao. Chỉ cần một lần Facebook 'cắn tiền', những nhà quảng cáo sản phẩm bẩn có thể có thu nhập vài chục triệu đồng/ngày", ông Trọng Nhân cho biết.

Cũng theo ông Nhân, Facebook không thể quét được những nội dung thay đổi liên tục này chỉ bằng máy móc. Bên cạnh đó, hệ thống máy quét của Facebook cũng không đủ mạnh để làm việc này. Thêm nữa, từ ngữ Việt Nam vô cũng phong phú, cần có đội ngũ người bản xứ để đọc hiểu mới có thể loại bỏ dứt điểm những quảng cáo vi phạm chính sách này.

'Thao duoc doi yeu' tran lan tren Facebook o VN hinh anh 2
 Các dịch vụ y học, thuốc, thực phẩm chức năng nằm trong danh mục cấm chạy quảng cáo của Facebook.

Ngoài ra, người dùng hoàn toàn không được bảo vệ nếu mua phải những mặt hàng vi phạm chính sách trên Facebook. "Vì đã lách được luật nên không loại trừ trường hợp những quảng cáo có nội dung người lớn này tiếp cận đến trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên", ông Nhân chia sẻ.

Lợi dụng tâm lý đó, các nhà quảng cáo bán những mặt hàng giả, kém chất lượng. Khi không dùng được, người dùng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt vì không thể kiện ai.

Zing.vn đã gửi câu hỏi đến Facebook để làm rõ việc mạng xã hội này có đủ năng lực để kiểm soát triệt để tất cả những mặt hàng trái quy định được quảng cáo trên nền tảng của mình hay không. Tuy vậy phía Facebook chỉ trả lời bằng việc nêu lại những chính sách, cơ chế để kiểm soát nội dung xấu, nhưng không có động thái cụ thể để xử lý dứt điểm.

Tính đến tháng 4/2018, Việt Nam có 58 triệu tài khoản Facebook hoạt động mỗi tháng, chiếm hơn một nửa dân số. Với số lượng này, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số người dùng Facebook và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.

Trong số 87 triệu người dùng bị lộ thông tin, Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách 10 nước chịu ảnh hưởng từ vụ Cambridge Analytica với 427.466 người dùng.