- Một tiến sĩ tốt nghiệp ở châu Âu sau 19 năm công tác ở viện nghiên cứu đã "dứt áo" ra ngoài thấm thía ý nghĩa của điều mong chờ là môi trường làm việc. Một công chức chia sẻ trăn trở về một "minh chủ" đủ tâm và tài...

Rất nhiều độc giả đã chia sẻ ý kiến với VietNamNet sau bài viết Công chức 'dứt áo' sẵn lòng quay về: Tôi không hâm.

Mong muốn chính đáng

Một tiến sĩ tốt nghiệp ở châu Âu hiện làm cho khu vực tư nhân đã chia sẻ điều đó với nhân vật trong bài viết. Sau khi tu nghiệp ở nước ngoài, anh về công tác tại một viện nghiên cứu, trụ lại đây đến 19 năm và cuối cùng chọn đường "dứt áo" ra đi vì "môi trường làm việc không phát triển được bản thân và không được tôn trọng".

Anh chia sẻ: "Sự khác biệt rất lớn của môi trường doanh nghiệp bên ngoài với cơ quan nhà nước là họ luôn để cho tôi chủ động thực hiện các ý tưởng sáng tạo cũng như tự chịu trách nhiệm hoạch định, triển khai và quản lý công việc của mình. Họ chỉ quan tâm là hiệu quả cuối cùng.

Ở cơ quan nghiên cứu của tôi trước đây mọi ý tưởng của cán bộ trẻ dù đúng dù sai cũng chỉ để tham khảo – quyết định cuối cùng vẫn là các ý tưởng của Viện trưởng vì vậy hầu hết các đề tài nghiên cứu dù được nhiều bạn trẻ đóng góp ý tưởng cũng như các ý kiến tham vấn của các nhà khoa học nhưng cuối cùng Viện trưởng vẫn quyết đoán theo các ý tưởng của mình và đây là một trong các trở ngại lớn cho các nhà khoa học trẻ…

Nhiều người bảo rằng chúng tôi ra đi là vì đời sống khó khăn. Nói như thế chỉ đúng phần nào. Nếu chỉ vì đời sống khó khăn thì tôi đã dứt áo ra đi từ lâu rồi chứ không đợi đến gần 19 năm công tác.

Công chức cần môi trường làm việc lành mạnh. Ảnh minh họa: Bình Minh

Quan trọng nhất là tạo môi trường làm việc tốt hơn theo hướng tạo sự chủ động cho các cán bộ trẻ có năng lực, phát triển bản thân.

Nếu có môi trường làm việc tốt để các nhà khoa học phát triển được năng lực chuyên môn, từ đó họ có thể sống tốt bằng các kết quả nghiên cứu của mình thì việc quay lại môi trường công chức, viên chức để thi thố tài năng và đóng góp cho nền khoa học nước nhà là mong muốn hoàn toàn chính đáng".

Minh chủ hiếm vì tư duy lối mòn

Bạn đọc tên Trà Đoàn thì chia sẻ, điều trăn trở lớn nhất đó là môi trường làm việc lành mạnh, sòng phẳng và một minh chủ có tài, có đức như tiến sĩ kinh tế nêu trong bài.

"Trong hơn ba năm làm việc ở trong cơ quan nhà nước, tôi được đánh giá cao về khả năng chuyên môn nhưng mọi quyền lợi thu nhập đều như nhau, thậm chí người chuyên chú tâm vào chuyên môn đôi khi còn thiệt thòi hơn vì nhiều lý do khá tế nhị.

Lúc mới vào làm trong cơ quan, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi rất tò mò từ các đồng nghiệp kiểu đại loại: “Em vào đây do ai giới thiệu?” hay “ Em là cháu sếp nào vậy?”, rồi những câu “cháu chú ấy thì cũng xa rồi!”…,tuyệt đối họ không hỏi tôi về thế mạnh, sở trường công việc tôi mà tôi có thể đảm nhận.

Trong khi đó, bên cạnh là các đồng nghiệp làm việc chỉ đối phó, pha trò, đến cơ quan chỉ ngồi đọc báo chờ hết giờ ra về làm tôi thất vọng.

Tôi nghĩ làm trong cơ quan nhà nước nếu có môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng sẽ rất thu hút nhiều người tài và có tâm huyết với công việc.

Quả thực, trong các cơ quan nhà nước hiện nay, tìm ra một minh chủ hội đủ tâm và tài điều hành công việc không dễ.

Hiếm, ở đây không phải đất nước chúng ta không có người hội tụ đủ điều đó mà hiếm bởi cơ chế đề bạt tuyển dụng của chúng ta hiện nay đang còn đi trên một lối mòn, một phần tư duy sống lâu lên lão làng".

Ngoài những chia sẻ chân thành, nhiều độc giả cũng đưa ra lời khuyên cho nhân vật cựu công chức trong bài viết.

Độc giả Thắng Nguyễn khuyên: Tôi nghĩ rằng ở đâu có môi trường thuận lợi để mình phát huy được hết năng lực, thì thành quả lao động của mình sẽ hiệu quả hơn. Công việc của vị công chức đó đang tốt, đang phát huy hiệu quả, doanh nghiệp phát triển tốt, đóng góp nhiều tiền thuế cho ngân sách và tạo công ăn việc làm cho nhiều người, ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình thì không nhất thiết phải quay trở lại con đường công chức. Chỉ khi nào vị công chức đó nhận thấy nếu được quay trở lại sẽ có điều kiện cống hiến được nhiều hơn (hiệu quả hơn), có nghĩa là khi mình còn thấp thì độ phủ sóng của mình thấp, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, khi mình ở cao phạm vi phủ sóng lớn hơn ảnh hưởng lớn hơn, nếu vị công chức đó, quay lại con đường công chức mà sự đóng góp được lớn hơn thì quay trở lại là có lợi cho đất nước.

"Một cá nhân sẽ không làm thay đổi được một tập thể, chỉ khi nào người đó là người đứng đầu và thực quyền, vì vậy chỉ quay lại khi có một minh chủ có tâm và có tầm, hoặc mình được đứng đầu một lĩnh vực nào đó", bạn Thắng Nguyễn nói.

L.Thư tổng hợp