Ngành y học Việt Nam có thể tái tạo bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, GS.TS Trần Thiết Sơn chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Hôm 28/1, các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn và Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã thực hiện thành công ca tái tạo mặt hết sức hy hữu, với tổn thương hiếm gặp trong y văn thế giới, cho một bệnh nhân nữ 60 tuổi, quốc tịch Lào. Đến nay, bệnh nhân đã tỉnh táo và dự kiến sau vài tuần nữa, sẽ tiếp tục được tái tạo lại mũi. Đây là một thành tựu rất đáng ghi nhận của y học Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về thành công của ca phẫu thuật, chuyên mục Góc nhìn thẳng của VietNamNet có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn - Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội - người trực tiếp tham gia phẫu thuật.

Xin mời xem cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Giáo sự, xin ông có thể nói rõ hơn tình trạng bệnh nhân trước khi thực hiện phẫu thuật? Đây có phải là ca bệnh cực kỳ hy hữu trên thế giới?

GS.TS Trần Thiết Sơn: Đây là bệnh nhân Lào, phát hiện bệnh cách đây 21 năm. Đầu tiên, bệnh nhân này chỉ bị ung thư da rất bình thường, nhưng do quá trình điều trị nhiều nơi không có kết quả, dẫn tới toàn bộ tầng giữa mặt và vòm bị khối u ăn vào, gây tổn thương và làm cản trợ sinh hoạt, gây khó thở, khó ăn uống cho bệnh nhân.

Đây là một ca tổn thương do ung thư da rất lớn, rất ít gặp. Thường những bệnh lý như thế này, người ta điều trị sớm, giải quyết sớm và triệt để. Nói chung, những khối u ăn rộng như vậy, đặc biệt nguyên nhân do ung thư da, chúng ta có thể phẫu thuật triệt để và bệnh nhân có thể chữa khỏi.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong suốt 14 tiếng diễn ra cuộc mổ, những phần việc nào là quan trọng nhất, quyết định toàn bộ thành công của cuộc mổ, thưa ông?

GS.TS Trần Thiết Sơn: Đây là một ca khó nên vai trò của tổ hợp rất nhiều chuyên khoa rất quan trọng. Đầu tiên, phải kể đến chuyên khoa Gây mê hồi sức. Nhờ có gây mê hồi sức, chúng tôi mới có thể tiến hành phẫu thuật trong 12-14 tiếng, thậm chí 18 tiếng mà vẫn đảm bảo khả năng sống của bệnh nhân.

 

{keywords}
GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn - Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội (ảnh: VietnamNet)

 

Thứ hai là ê kíp về răng hàm mặt do GS Lê Sơn đảm nhiệm. Với một tổn thương lớn như thế này, nếu chúng ta không phẫu thuật giải quyết triệt để, không cắt hết được khối u, cắt rộng, cả phần da lành thì nguy cơ tái phát rất cao. Vai trò của các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt rất quan trọng.

Cuối cùng là vai trò của các bác sĩ tạo hình thẩm mĩ, tái tạo tất cả các phần mà người ta đã cắt đi rồi và tạo dựng lại phần để đảm bảo cho cấu trúc của khuôn mặt, vòm miệng gần như bình thường.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về khả năng hồi phục của bệnh nhân? Sau phẫu thuật, bệnh nhân có phải đối mặt với nguy cơ nào không?

GS.TS Trần Thiết Sơn: Qua 8 ngày, với những kỹ thuật vi phẫu, đặc biệt là vi phẫu lớn trên vùng mặt, chúng tôi coi là ca phẫu thuật thành công, với sự sống của tất cả phần cũng như sự chấp nhận của tất cả tại khu tổn thương. Điều quan trọng, khả năng dinh dưỡng, nuôi sống bệnh nhân phụ thuộc vào chuyên khoa Hồi sức cấp cứu. Tôi nghĩ là Bệnh viện Đai học trường Y có thể làm tốt việc này.

Khi đã đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân thì khả năng hồi phục của bệnh nhân rất cao. Điều này cho phép chúng tôi có thể tiến hành như ca tiếp theo như tái tạo toàn bộ cái mũi, ghép xương hàm trên bằng xương mác, là những kỹ thuật chúng tôi vẫn hay tiến hành cho những bệnh nhân ở dạng tổn thương khác.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa giáo sư, thành công của ca phẫu thuật này sẽ mở ra triển vọng gì cho y học Việt Nam?

GS.TS Trần Thiết Sơn: Nói riêng về ung thư, những tổn thương ở đầu, mặt, cổ, hay những tổn thương khác trên cơ thể thì việc cắt bỏ khối u chỉ là một phần. Quan trọng nhất, chúng ta tái tạo lại những bộ phận bị cắt đi để bệnh nhân hoà hợp trở lại cuộc sống bình thường, với cộng đồng. Đây là mặt rất thiếu ở nền y học nước chúng ta.

Ở các nước khác trên thế giới, đó là một nhiệm vụ của bác sĩ sau khi điều trị ung thư. Điều này cho phép ngành y tế chúng ta có thể tiệm cận những kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới, có thể tái tạo lại bất cứ bộ phận nào trên cơ thể.

Ví dụ hiện nay, chúng tôi có thể tái tạo lại nguyên bộ phận âm đạo, tái tạo dương vật cho bệnh nhân khuyết tật. Vì vậy, việc tái tạo những cơ quan nổi như ở mặt đòi hỏi trình độ kỹ năng của phẫu thuật viên, hợp sức của nhiều chuyên khoa để có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Tôi nghĩ, những bệnh nhân trước đây hay bệnh nhân này sẽ được đón nhận tại các hội nghị quốc tế và tôi tin chắc là sẽ được đánh giá cao tại các hội nghị như ở Mỹ, Nhật hoặc Pháp.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn giáo sư và chúc ông một năm mới vạn sự tốt lành!

VietNamNet

Tin liên quan: