Bách hóa Xanh vừa công bố hợp tác chiến lược với FrieslandCampina, cam kết tăng gấp 10 doanh thu cho hãng sữa để đổi lại loạt chính sách ưu đãi và giảm giá chưa từng có cho 2.000 cửa hàng vào năm sau.
Đại diện Bách hóa Xanh cho biết, các ưu đãi này sẽ được chuyển đổi thành lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, bao gồm các khuyến mại, tăng số kỳ giảm giá “sốc” mỗi năm, tặng quà và sản phẩm, duy trì giá tốt nhất thị trường cho một số sản phẩm sữa nước mang thương hiệu Cô Gái Hà Lan, Fristi, Yomost, Ovaltine…
Các động thái “săn tìm” nhà cung cấp chiến lược, tận dụng sức mạnh chuỗi đàm phán lợi thế đặc biệt về giá của Bách hóa Xanh khiến giới bán lẻ liên tưởng ngay đến những bước đi thành công của “huyền thoại ngành FMCG” - Walmart.
Mô hình “giá rẻ mỗi ngày” của Walmart đã giúp người tiêu dùng tiết kiệm ít nhất 15% chi phí cho mỗi giỏ hàng. Chiến lược giữ giá thấp, cụ thể tham chiếu với giá của các kênh truyền thống (chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa, đại lý chuyên bán sữa...) cũng là đích đến của Bách hóa Xanh ngay từ khi nhập cuộc. Sau mô hình “thịt tươi, cá lội” rẻ như chợ, chuỗi đang “ép” giá sữa xuống mức ngang bằng các đại lý và thấp hơn 10-15% siêu thị để mang lại lợi ích thực cho người tiêu dùng.
Chấp nhận mức lợi nhuận mỏng hơn đối thủ cạnh tranh và bù đắp bằng khối lượng bán hàng khổng lồ, Walmart nay đã trở thành đế chế bất bại trên toàn cầu. Đáp lại đối tác, Walmart tiêu thụ 15-20% hàng hóa cho hơn 20 tập đoàn FMCG lớn nhất thế giới như Coca-Cola, PepsiCo, Procter & Gamble, Cal-Maine Foods, Flowers Foods,...
Với FrieslandCampina, Bách hóa Xanh cũng cam kết tăng gấp 10 doanh thu cho hãng sữa thông qua các hoạt động tiếp thị tờ rơi, trưng bày gian hàng, tư vấn bán hàng bởi đội ngũ hàng nghìn nhân viên...
Từ manh mún, 11.700 cửa hàng Walmart đã thâm nhập vào cuộc sống của nước Mỹ, nơi 90% người dân sống trong vòng 24km của một cửa hàng. Mục tiêu của Bách hóa Xanh theo đó cũng nhằm thay thế chợ truyền thống trong một tương lai gần.