Mở ra hướng đi mới

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhưng ra trường được 4 năm vẫn không xin được việc, chị Nguyễn Thị Hòa (trú phường Hưng Chử, thị xã Hương Trà) đăng ký lớp May công nghiệp chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã.

Chị quyết định vậy bởi lý do “học xong ra trường không tìm được việc, có những thời gian cảm thấy rất nản và uổng phí cho quãng thời gian đi học trước đây.

Trong khi đó, chị nhận thấynghề may hiện rất phát triển ở địa phương và có thu nhập khá tốt. Vấn đề của người phụ nữ 27 tuổi là không có tay nghề.

Do vậy, thấy trung tâm có khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chị Hòa quyết định đăng ký để chủ động có cho mình một cái nghề trong tay.

{keywords}
Học viên lớp May công nghiệp trong giờ thực hành. Ảnh: B.D

Không chỉ chị Hòa, năm nay đã 45 tuổi song chị Trần Thị Thùy (xã Hương Vân) vẫn đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn.

Ở nhà trồng trọt nhưng khó khăn đeo bám cuộc sống gia đình, biết thông tin về những lớp học được hỗ trợ miễn học phí, chị bàn với chồng để theo học với hy vọng tăng thu nhập.

“Tôi muốn đi học nghề để có thể kiếm thêm thu nhập, trang trải cho con cái ăn học”.

Chị quyết định chọn nghề may theo đúng sở thích và khả năng của mình. “Học ở đây, thầy cô cũng tạo điều kiện, chỉ bảo mình từng đường kim mũi chỉ. Tôi đi học ở đây không phải đóng học phí”.

Chị Thùy tâm sự, dự kiến học xong chị sẽ xin vào đi làm ở một công ty may. “Nếu công ty may không nhận thì mình vẫn có thể mở quán cắt may hoặc làm chỗ của người thân khi đã có tay nghề”, chị chia sẻ những đầu ra đầy hy vọng.

Chị Cao Thị Hạnh Nhân, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà cho hay: Trước đây, khi chương trình 1956 mới ra đời, nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề còn khá mờ nhạt. Đa số người dân nghĩ rằng làm lâu ngày thì quen tay và tư tưởng ấy ăn sâu vào gốc rễ của người dân. Nhưng rồi khi các lớp đào tạo nghề được triển khai tại trung tâm có tỷ lệ học viên ra trường xin được việc làm và đi theo nghề trên 90%, suy nghĩ của người dân dần thay đổi. Do đó việc tuyển sinh của trung tâm thuận lợi hơn khi người dân tự tìm tới trung tâm để học.

Nhiều triển vọng lạc quan

Theo chị Nhân, hiện, trong năm 2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà chủ yếu đào tạo 3 nghề gồm may công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm; nghệ thuật trang điểm.

Trong số này nghề may công nghiệp chiếm chủ yếu và hiện đang rất được ưa chuộng tại thị xã Hương Trà bởi gắn liền với các khu công nghiệp có các doanh nghiệp may trên địa bàn.

“Độ tuổi tuyển dụng của doanh nghiệp đa phần ưu tiên cho lao động từ 18 đến 35. Tuy nhiên tùy thuộc vào đam mê và kỹ năng tay nghề của học viên. Nếu tay nghề rất tốt thì không chỉ 35 mà kể cả 40 tuổi doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tuyển dụng”, chị Hạnh Nhân nói.

Qua thực trạng tình hình đào tạo nghề tại địa phương, chị Nhân nhận thấy hiện còn rất nhiều lao động có nhu cầu mong muốn được học nghề.

Ông Trần Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà cho biết, số lượng học viên lao động nông thôn được đào tạo nghề ở trung tâm mỗi năm dao động từ 250 đến 300 người ở tất cả các ngành nghề kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, số này là chưa đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp.

“Về nghề phi nông nghiệp, như nghề may hiện chúng tôi đào tạo 3 lớp. Song do các xưởng may trên địa phương rất nhiều nên hầu như 100% học viên có việc sau học nghề. Thậm chí nguồn cung lao động không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi đào tạo vừa xong thì doanh nghiệp nhận ngay vào làm và trả lương. Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, với nghề may là 3 tháng, chúng tôi đào tạo 2 tháng còn 1 tháng cuối thì lao động đã được doanh nghiệp mời qua làm rồi và còn trả một phần mức lương. Do đó rất thuận lợi cho các học viên”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, sau khi học xong khóa đào tạo, học viên có việc làm ngay và có mức lương trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Thậm chí có những học viên đạt được mức lương đến 9,5 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, với nghề nề, mộc cũng tương tự khi học viên sau đào tạo cũng được tuyển 100% và thậm chí không đủ cung cấp. “Trong quá trình đào tạo, các doanh nghiệp đã đến đặt hàng từ trước nhưng số lượng lao động học nghề ra vẫn không đủ cung cấp cho họ”, ông Quang nói.

Với các nghề nông nghiệp, theo ông Quang, người dân rất phấn khởi vì đa phần học xong có thể phục vụ cho chính công việc của họ và tăng năng suất.

“Các lớp lao động nông thôn như trồng dưa leo, mướp đắng; nuôi cá lồng nước ngọt được chúng tôi đào tạo ở các phường Hương Xuân, xã Hương Toàn, phường Hương Vân rất nhiều. Bà con sau khi học các lớp này thì rất phấn khởi vì tăng năng suất trong quá trình lao động sản xuất. Nhiều người học xong vẫn giữ liên hệ với các thầy cô giáo để hỏi thêm các kiến thức, tiếp tục tăng gia sản xuất”, ông Quang chia sẻ.

Hải Nguyên

Thí sinh Việt Nam dự thi tay nghề thế giới giỏi cỡ nào?

Thí sinh Việt Nam dự thi tay nghề thế giới giỏi cỡ nào?

- Để có thể giành huy chương ở các kỳ thi tay nghề thế giới, ngoài kỹ năng, tốc độ, thí sinh Việt Nam còn phải giữ được sự tập trung, tâm lý tốt và có một thể lực bền bỉ.