- Kỹ năng dọn dẹp trong các hoạt động thường nhật cũng giúp cho các em gọn gàng trong cả tư duy vì dọn dẹp không chỉ bằng chân tay mà đòi hỏi cả tư duy để phân loại, sắp xếp một cách khoa học, nhanh chóng.
Mất điểm vì...dọn dẹp
Một lần, mình và các em quen biết tổ chức ăn tiệc. Khi kết thúc, chén bát, thức ăn, nước uống đầy trên bàn. Mấy em đều có ý định giúp đỡ mình dọn dẹp. Thế nhưng, mình giật mình khi quan sát cách các em lúng túng dọn mấy bàn ăn ấy.
Lẽ ra các em nên dồn những thức ăn còn ăn được trước vào những đồ đựng sạch sẽ rồi bịt kín lại. Rác thức ăn, khăn giấy, vỏ lon phải dọn riêng vào ba túi khác nhau. Khi dọn rác thức ăn, nếu là đồ nước phải chắt nước vào khay đựng cẩn thận rồi đổ xuống bồn rửa hoặc cống, xối nước đi, chỉ còn cái thức ăn mới bỏ bọc.
Các em chồng chén bát vào tô nước, khiến nước đổ tràn lan, các loại rác lẫn lộn với nhau.
Thấy mình đứng nhìn, các em chột dạ bảo: "Nói thiệt, thấy nguyên bàn ăn kiểu này là tụi em không biết bắt đầu từ đâu".
Mình nghĩ các em không phải là trường hợp đặc biệt.
Mình từng liếc phòng ở của các bạn trẻ Tây lẫn ta, đủ quốc tịch.
Các em gái Trung Quốc ra đường lồng lộn là vậy nhưng phòng ở thì… kinh hoàng. Đương nhiên, lúc bận rộn, phòng có thể bừa, nhưng khi các em muốn dọn dẹp, cũng không biết làm thế nào cho gọn. Có khi dọn rồi mà vẫn thấy như chưa dọn. Dùng bếp, phòng khách chung cùng nhau thì hai nơi như bãi chiến trường. Có em được phân công dọn dẹp, cũng nghiêm túc làm nhưng dọn xong thì phòng vẫn ko gọn hơn bao nhiêu. Kết quả là cãi vã lẫn nhau.
Bé M. (14 tuổi) mà mình ở chung nhà, mỗi khi mẹ kêu dọn dẹp thì nó sẽ gom tất cả nhét vào các ngăn tủ mà không phân loại gì hết. Mục đích là mẹ không nhìn thấy đồ đạc trên sàn và trên giường nữa thì là...dọn rồi! Lúc nó cần tìm đồ mới thực sự là thảm hoạ vì nó sẽ kéo tất cả ngăn tủ ra và trong tích tắc, căn phòng trở về trạng thái...bãi rác. Chưa kể khi nó vội đi học vào sáng sớm thì việc tìm đồ làm nó rơi vào trạng thái hoảng loạn. Mình có khi thức giấc chỉ vì tiếng hét và tiếng đóng cửa rầm rầm bực bội của nó.
Dọn dẹp nghe có vẻ là chuyện đơn giản, nhưng thực ra là không.
Nếu cha mẹ không muốn phải vào dọn phòng, dọn nhà, dọn bàn ăn... cho con tới khi...hết đời thì hãy dạy con càng sớm càng tốt!
Chưa kể, kỹ năng này cũng có ích khi con gia nhập đời sống tập thể. Có lẽ không ai vui vẻ sống chung hoặc làm chung với người có thói quen bừa bộn.
Một em sinh viên ở Anh mà mình biết đã rất khó thuê được nhà do các bạn truyền tai nhau về sự bừa bộn và thiếu ý thức trong việc giữ sự gọn gàng cho không gian chung. Ví dụ: Đồ ăn để mốc meo trong tủ lạnh, bốc mùi khó chịu nhưng em không thèm dọn. Nói thì em chỉ vứt đi chứ không biết lau chùi, khử mùi.
Dạy trẻ dọn dep từ 1 tuổi
Kỹ năng dọn dẹp trong các hoạt động thường nhật cũng giúp cho các em gọn gàng trong cả tư duy vì dọn dẹp không chỉ bằng chân tay mà đòi hỏi cả tư duy để phân loại, sắp xếp một cách khoa học, nhanh chóng.
Mình nghĩ gọn gàng là một phẩm chất không phải hình thành được trong ngày một, ngày hai. Muốn hình thành phẩm chất này thì đòi hỏi trẻ phải được dạy và tạo điều kiện để rèn luyện kỹ năng dọn dẹp nữa. Lúc 1 tuổi trở đi, trẻ đã có thể được học cách dọn dẹp rồi.
1. Bố mẹ cần sắp xếp đồ đạc một cách khoa học, hợp lý và trẻ được hướng dẫn: lấy đồ ở đâu thì cất lại ở đó.
2. Đồ chơi cũng được phân loại, đặt vào các vị trí, đồ đựng phù hợp. Trên các vị trí hoặc đồ đựng có thể dán hình để trẻ nhận biết nơi đó/ đồ đựng đó sẽ cất được những món đồ nào. Trẻ sẽ học được những nguyên tắc: đồ nào thì cất ở đâu là phù hợp và bảo quản được kỹ lưỡng hơn. Không phải dọn dẹp là ném tất cả đồ chơi từ ô tô, thú bông, con chữ, con số, bóng, bi....vào một rổ. Những vật nhỏ phải được để riêng. Những đồ chơi theo bộ nhất định phải được bỏ riêng vào từng hộp cẩn thận.
3. Bố mẹ hướng dẫn trẻ cách thức sử dụng đồ đạc hoặc chơi sao cho ít bừa nhất để đỡ phải dọn, đỡ phải tìm khi cần.
Ví dụ: Trẻ muốn chơi đổ nước vào chai thì phải lấy cái thau to, khi đổ thì phải để chai vào giữa thau để đổ. Việc đổ tràn ra ngoài thì sẽ khiến trẻ phải chấp nhận lau sạch sau đó.
4. Bố mẹ làm mẫu và cùng làm với trẻ. Ban đầu, có khi trẻ dọn 1 món, mình..dọn hết phần còn lại nhưng dần dần thì trẻ sẽ dọn nhiều hơn. Sau đó nâng lên bằng cách đưa hướng dẫn bằng lời và khuyến khích trẻ tự làm.
5. Bố mẹ có thể biến chuyện dọn dẹp thành trò chơi nhẹ nhàng kiểu: Cả hai cùng chọn 1 món và thi xem ai chạy nhanh hơn về chiếc thùng/ kệ. Nếu trẻ đã phân biệt được màu sắc thì hãy cùng dọn những đồ màu đỏ/xanh/vàng ...cùng nhau nào. Nếu trẻ đã phân biệt được hình dạng thì lại chơi cùng dọn những đồ có hình tròn/ tam giác...Vừa rèn kỹ năng dọn dẹp vừa rèn kỹ năng quan sát, vận động, vừa giúp trẻ ghi nhớ màu sắc, hình khối...
6. Bố mẹ làm gương bằng việc cũng dọn dẹp gọn gàng sau khi dùng xong đồ đạc hoặc xong một việc gì đó. Chẳng hạn: Nấu ăn xong phải rửa sạch đồ đạc, xếp gọn lên kệ hoặc rổ.
Nguyễn Huyền (giảng viên Trường ĐHSP TP.HCM)