Báo NPR đưa tin, nữ Thống đốc Michelle Lujan Grisham đã công khai lên án việc Tổng thống Trump kích động sợ hãi ở khu vực biên giới Mỹ. Kể từ khi trở thành nghị sĩ Quốc hội và giữ chức Chủ tịch Nhóm nghị sĩ gốc Tây Ban Nha, bà Grisham đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các chính sách nhập cư của lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm.

{keywords}
Nữ thống đốc bang New Mexico Michelle Lujan Grisham. Ảnh: Fox News

Không chỉ phản bác quan điểm của chính quyền liên bang về sự tồn tại của một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở khu vực biên giới phía nam Mỹ, nữ Thống đốc bang New Mexico còn khẳng định, đây là một trong những cộng đồng an toàn nhất nước này.

Sắc lệnh mới của bà Grisham có hiệu lực với hầu hết các binh sĩ đã được triển khai của bang New Mexico cũng như các thành viên Vệ binh quốc gia đến từ các bang Arkansas, Kansas, Kentucky, New Hampshire, Nam Carolina và Wisconsin. Song, khoảng 11-15 vệ binh vẫn tiếp tục ở lại khu vực biên giới tây nam New Mexico để trợ giúp các vấn đề nhân đạo.

Theo Văn phòng thống đốc New Mexico, tổng cộng đã có 118 binh sĩ Vệ binh quốc gia đã được điều động ở bang này.

Các tin tức đáng chú ý khác trong ngày:

- Tổng thống Donald Trump vừa đề cử David Malpass, quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ làm Chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây được coi là một lựa chọn gây tranh cãi vì ông Malpass là người thường xuyên chỉ trích và đưa ra những cáo buộc chống lại WB cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

- Tổng thống Trump quả quyết, quân đội Mỹ và đồng minh đã giải phóng được gần như toàn bộ lãnh thổ Iraq và Syria khỏi sự chiếm đóng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo lãnh đạo Nhà Trắng, thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra vào tuần tới.

- Thông qua các kênh ngoại giao, Chính phủ Nhật Bản ngày 7/2 tiếp tục phản đối Trung Quốc triển khai tàu khoan hoạt động ở một mỏ khí đốt tại khu vực tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

- Tòa án liên bang Mỹ đã tuyên phạt Zhao Qianli, sinh viên đến từ Trung Quốc 1 năm tù giam sau khi người này nhận tội chụp ảnh trái phép các cơ sở quốc phòng của nước này.

- Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, Moscow sẽ xem xét các đề xuất mới của Mỹ về việc thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bằng một hiệp ước quy mô lớn hơn với sự tham gia của nhiều nước.

- Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Rome về nước sau một cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Italia Luigi di Maio với các lãnh đạo phong trào biểu tình Áo vàng, những người đang đòi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải từ chức. Sau cuộc gặp với những thủ lĩnh phong trào biểu tình chống Chính phủ Pháp, ông Maio thậm chí còn đăng đàn Twitter ca ngợi "những cơn gió đổi thay khắp dãy Alps".

- Thủ tướng Anh Theresa May vừa quyết định hoãn trình Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) lần 2 vào tuần tới, do bà lo ngại sẽ không thuyết phục được EU đàm phán lại.

- Bộ Quốc phòng Canada tuyên bố đã điều tàu chiến Regina rời cảng đến châu Á -Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ các hoạt động tuần tra và tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh trong khu vực.

- Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông và các quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Trump sẽ tới Bắc Kinh vào tuần tới để bắt đầu một vòng đàm phán thương mại mới với giới chức Trung Quốc, nhằm đạt được thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ và chấm dứt việc Washington tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc.

- Nhà chức trách Australia vừa bác đơn xin trở thành công dân, đồng thời hủy bỏ cả quyền thường trú dài hạn của tỷ phú Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc, người đã quyên góp rất nhiều tiền cho hai chính đảng lớn tại Australia. Động thái diễn ra đúng vào lúc liên minh cầm quyền ở Australia đang nỗ lực chống nước ngoài can thiệp vào chính trường nước này.

- Tờ La Stampa dẫn một nguồn tin cấp cao tiết lộ, Chính phủ Italia dự định sẽ cấm hai ông lớn công nghệ của Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia cung cấp thiết bị và dịch vụ 5G ở nước này. Quyết định được tin có liên quan đến "sức ép mạnh mẽ" từ Mỹ.

- Ít nhất 5 người đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại một mỏ than không còn hoạt động ở tỉnh Mpumalanga, miền đông Nam Phi hôm 7/2. Đài truyền hình SABC đưa tin, hiện còn khoảng 20 người vẫn đang bị mắc kẹt bên dưới hầm mỏ. Lượng khí độc cao trong hầm đang cản trở công tác cứu hộ.

Tuấn Anh