- Mưa lụt sau bão Etau đang đẩy nước Nhật vào nguy hiểm cận kề, châu Âu vẫn chật vật xử lýkhủng hoảng di dân... nằm trong số những tin tức quan trọng diễn ra trên thế giới 24 giờ qua.
Tin nổi bật
Sông Kinugawa ở Nhật vỡ bờ khiến nhiều ngôi nhà chìm trong nước. (Ảnh: AP) |
Hàng chục nghìn người đã được yêu cầu rời khỏi nhà trên khắp Nhật Bản ngày 10/9, khi mưa lớn dội xuống nước này, khiến nước nhiễm xạ tràn ra đại dương ở nhà máy hạt nhân Fukushima.
Do ảnh hưởng của bão Etau, ở nhiều nơi tại Nhật, nước lụt ngập đến thắt lưng. Các nhân viên cứu hộ phải làm việc rất vất vả để đưa người dântới nơi an toàn.
"Chúng tôi chưa từng thấy mức độ mưa to như vậy trước kia. Nguy hiểm nghiêm trọng có thể cận kề" – nhà dự báo thời tiết Takuya Deshimaru nhận định tại một cuộc họp báo khẩn cấp.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã ban hành nhiều cảnh báo đặc biệt cho các vùng Tochigi và Ibaraki, phía bắc Tokyo, kêu gọi dân chúng cảnh giác trước lũ lụt và lở đất.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin, hơn chục người bị thương, trong đó có một cụ bà 77 tuổi bị gẫy chân vì ngã do gió lớn.
Trận cuồng phong Etau, tấn công Nhật Bản từ ngày 9/9, đã di chuyển ra Biển Nhật Bản vào cuối ngày nhưng mưa lớn sau bão tiếp tục hoành hành ở xứ sở mặt trời mọc.
Mưa như trút nước càng làm cho vấn đề nước nhiễm xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima thêm nghiêm trọng vì hệ thống bơm thoát nước của cơ sở này bị ngập. Phát ngôn viên của TEPCO, tập đoàn Điện lực Tokyo vận hành nhà máy Fukushima, hàng trăm tấn nước ô nhiễm đã chảy ra biển.
Theo NHK, các nhà chức trách đã yêu cầu hơn 90.000 dân sơ tán, trong khi 116.000 người khác được khuyên nên rời nhà. Ở Ibaraki, ít nhất 20.000 người được yêu cầu sơ tán vì sợ ngập lụt.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ của ông đang trong tình trạng báo động cao.
"Chính phủ sẽ cùng đoàn kết và làm hết sức mình để đối phó với thảm họa... bằng cách ưu tiên hàng đầu cho cuộc sống của người dân", ông Abe nói với các nhà báo.
Tin vắn
- NBC News ngày 10/9 đưa tin, mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda mới đây đã đe dọa nhiều ông trùm tài chính quan trọng của Mỹ, đòi họ rút tài sản khỏi các ngân hàng Mỹ và đầu tư chúng ra nước ngoài.
- Ngày 10/9, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư tại các nước thành viên EU, tái bố trí 160.000 người tị nạn hiện đang tập trung tại Hy Lạp, Hungary và Italia.
- Số lượng di dân đông kỷ lục vượt qua vùng Balkan tới Hungary để tìm đường sang Áo và Đức đã khiến các nhà chức trách Áo tạm ngừng các chuyến tàu đến và rời khỏi Hungary trong ngày 10/9. Đan Mạch cũng hành động tương tự với các hoạt động tàu hỏa giữa nước này với Đức.
- Theo cảnh sát Thái Lan, nghi phạm chính trong vụ đánh bom đẫm máu tại Bangkok tháng trước đã hối lộ 600 USD để nhập cảnh trái phép vào nước này.
- Trả lời các phóng viên ngày 10/9, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews thừa nhận rất khó xác định cuộc chiến chống IS sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, ông nêu rõ mục tiêu của quân đội Australia là tiêu diệt các vị trí khủng bố, các địa điểm huấn luyện và căn cứ chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
- Tổ chức Giám sát Nhân quyền tại Syria ngày 10/9 cho biết IS đã chiếm được một địa điểm gần căn cứ không quân chiến lược ở miền đông Syria trong cuộc giao tranh dữ dội làm hơn 40 người chết.
- Theo Tân Hoa xã, cảnh sát Trung Quốc và Mông Cổ, ngày 10/9, tổ chức diễn tập chung chống khủng bố tại thành phố Erenhot nhằm tăng cường nỗ lực chống tội phạm xuyên biên giới và duy trì ổn định khu vực.
- Truyền thông Israel đưa tin, lực lượng cảnh sát và biên phòng nước này đã bắt giữ 39 lao động người Palestine ở gần thành phố nghỉ dưỡng Eilat. Những lao động này đã được đưa tới các trung tâm thẩm vấn của Israel để xét hỏi.
Tin ảnh
Châu Âu đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng di dân khi hàng chục nghìn người ồ ạt di chuyển lên phía bắc để chạy trốn xung đột ở châu Phi và Trung Đông. Họ bất chấp tính mạng để tới Thổ Nhĩ Kỳ, vượt biển tới Hy Lạp, qua Macedonia và Serbia, sau đó tới Hungary rồi tiếp tục hành trình tới Bắc Âu. (Ảnh: Getty) |
Phát ngôn
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng đề xuất của EU muốn các nước thành viên chấp nhận 160.000 người xin tị nạn mới chẳng khác nào "giọt nước bỏ biển" giữa mức độ khủng hoảng di dân hiện nay.
Ông cho biết, 450.000 người đã đến Đức kể từ đầu năm, với 37.000 người chỉ trong 8 ngày đầu của tháng 9.
Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 10/9, ông Gabriel mô tả kế hoạch của EU chỉ là "bước đầu tiên, nếu một người muốn tỏ ra lịch sự".
"Nói cách khác, bạn có thể coi nó như giọt nước bỏ biển", ông bình luận.
Sự kiện
Ngày 11/9/2001, nước Mỹ bị khủng bố tấn công. Cuộc khủng bố đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ cũng như thế giới.
Thanh Hảo