Hội phụ huynh là tập hợp những người có trình độ học vấn, thu nhập và ý thức khác nhau. Khi cùng đưa ra quyết định về hỗ trợ lớp và trường học, hội phụ huynh sẽ bị chia rẽ bởi chính sự khác biệt này. Điều này đẩy hội phụ huynh vào thế lưỡng nan.

Nếu huy động đóng góp “tự nguyện” nhiều thì các phụ huynh nghèo không muốn và không thể tham gia, nếu chỉ đóng góp ít để phù hợp các phụ huynh nghèo thì các phụ huynh khá giả lại không hài lòng vì nghĩ rằng con mình xứng đáng và có thể được nhiều hỗ trợ giáo dục hơn thế.

Thế lưỡng nan dai dẳng nhưng “hợp lý"

Thế lưỡng nan này không phải là vấn đề tạm thời mà sẽ kéo dài dai dẳng trong những năm sắp tới bởi tình hình phân hóa xã hội về kinh tế, văn hóa, nhận thức ở nước ta sẽ ngày càng gia tăng.

Trên góc độ kinh tế, nó sẽ dẫn đến sự khác biệt ngày càng lớn trong chi tiêu giáo dục giữa hộ gia đình khá giả và hộ gia đình thu nhập thấp.

{keywords}
Một phụ huynh đứng đợi con thi lớp 10 ở TP.HCM. Ảnh minh họa: Trương Thanh Tùng

Điều tra về chi tiêu cho giáo dục năm 2015 - 2016 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, nhóm hộ nghèo chỉ chi cho giáo dục 0,69 triệu đồng/1 đứa con/tháng, trong khi nhóm hộ giàu đã chi tới 4,85 triệu đồng/1 đứa con/tháng, tức là chênh lệch chi tiêu giáo dục giữa hai nhóm lên tới 7 lần! Kết quả điều tra cũng chỉ ra mức chênh lệch đó ở thành thị cao hơn ở nông thôn.

Việc sẵn sàng chi tiêu cho giáo dục của các hộ khá giả sẽ làm sâu sắc hơn thế lưỡng nan của hội phụ huynh vì các phụ huynh khá giả luôn sẵn sàng đề xuất các khoản chi tiêu lớn hơn.

Năm 2017, ban đại diện hội phụ huynh trường tiểu học Hoàng Diệu (Thủ Đức, TpHCM) đề xuất khoản thu 332 triệu cho các hoạt động tổ chức hội thi, lễ kỷ niệm, khen thưởng, hoạt động văn hóa, văn nghệ của học sinh. Dù sự phản ứng của nhiều phụ huynh đã khiến đề xuất được rút lại nhưng rõ ràng là thế lưỡng nan đã phơi bày ở mức gay gắt hơn trước.

Mặt khác, mức chi tiêu của nhóm gia đình khá giả cũng tạo xu hướng chi tiêu giáo dục cho cả xã hội, từ đó dẫn dắt xu hướng “tự nguyện” đóng góp của các hội phụ huynh trong cả nước, tức là tiếp tục tạo sức ép lên chi tiêu cho giáo dục của hộ nghèo.

Vẫn ở TP.HCM, năm 2018, hội phụ huynh đã góp khoảng 450 tỷ đồng để tài trợ hoạt động học của học sinh, khen thưởng, hỗ trợ cơ sở vật chất, sửa chữa trường, lớp… Nhìn rộng ra cả nước, theo cuộc điều tra năm 2015-2016 trên, các gia đình ở thành thị có xu hướng chi tiêu nhiều hơn gấp gần 3 lần so với các gia đình ở nông thôn (lần lượt là 3,07 triệu đồng/con/tháng so với 1,15 triệu đồng/con/tháng.

Giống như việc gia đình này cho con đi học thêm sớm thì gia đình khác cũng buộc phải “đua” cho con đi học thêm tương tự, chi tiêu giáo dục của hộ gia đình ở thành phố sẽ tạo ra mẫu hình, ngưỡng chi tiêu mà các hộ gia đình ở nông thôn có xu hướng thực hiện theo.

Nhóm gia đình khá giả ở nông thôn có thể muốn tổ chức nhiều hoạt động để con cái mình không thua thiệt với học sinh thành phố, trong khi đó nhóm gia đình có thu nhập thấp ở nông thôn không thể và không muốn “đua” như vậy.

Cần phải nhấn mạnh rằng, thế lưỡng nan này là ….“hợp lý” vì mỗi nhóm gia đình đều xuất phát từ nhu cầu và điều kiện của mình. Nhóm gia đình khá giả muốn con cái được học tập trong điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng tự nguyện hỗ trợ trường. Nhóm gia đình có thu nhập thấp không thể đóng góp vượt điều kiện kinh tế gia đình dù rằng họ cũng muốn điều tốt nhất cho giáo dục con cái.

Nếu một lớp học có cả thỏ và rùa thì nhóm thỏ sẽ muốn cả lớp chạy nhanh trong khi nhóm rùa sẽ muốn cả lớp tiến lên chậm rãi. Không đề xuất nào của nhóm rùa và nhóm thỏ là phi lý vì cả hai đề xuất đều xuất phát từ nhu cầu và điều kiện khác nhau của mỗi nhóm.

Nhà trường có thể hóa giải thế lưỡng nan “cùng thuyền, không cùng hội”

{keywords}
Nhóm gia đình có thu nhập thấp không thể đóng góp vượt điều kiện kinh tế gia đình dù rằng họ cũng muốn điều tốt nhất cho giáo dục con cái. Ảnh minh họa: Một người mẹ ngóng con trong mùa thi lớp 10 ở Hà Nội - Thúy Nga

Trong thế lưỡng nan này, các phụ huynh cùng thuyền nhưng không cùng hội, họ “đồng sàng” nhưng “dị mộng”. Trong vài năm trở lại đây, sự mâu thuẫn tăng cao đến mức đề xuất bỏ hội phụ huynh ngày càng mạnh mẽ hơn. Liệu xóa bỏ hội phụ huynh có phải là giải pháp cho vấn đề xuất phát từ sự phân hóa xã hội, đặc biệt là phân hóa giàu nghèo?

Các quy luật kinh tế và xã hội cho thấy, xóa bỏ hội phụ huynh không thể giải quyết được thế lưỡng nan bởi vì nhóm gia đình khá giả vẫn dẫn dắt xu thế chi tiêu nhiều cho giáo dục.

Nếu xóa hội phụ huynh thì sẽ có nhiều hội khác xuất hiện, tên gọi sẽ khác nhưng vai trò thì tương tự: hỗ trợ nhà trường trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho việc giáo dục học sinh. Thêm vào đó, quá trình giáo dục học sinh luôn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường mà hội phụ huynh là một kênh quan trọng cho sự phối hợp này.

Từ 9 năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 55 về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh để điều chỉnh cách tổ chức và hoạt động của hội phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế là hoạt động của hội phụ huynh vẫn bị lạm dụng dẫn đến mâu thuẫn, bất bình như trong sự kiện tại trường THPT Trương Định mới đây.

Cần phải xác định rằng, điều tốt nhất mà cơ quan quản lý giáo dục có thể làm là tạo cơ chế để học sinh từ mọi gia đình, không kể điều kiện kinh tế khác nhau thế nào, vẫn có cơ hội học tập bình đẳng, không hoặc ít bị tác động của phân hoá giàu nghèo. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm quyền ban hành các quy tắc tổ chức hoạt động giáo dục thì các trường học mới là lực lượng trực tiếp thực thi.

Do đó, mâu thuẫn trong hoạt động của hội phụ huynh đòi hỏi vai trò rất quan trọng của trường để giải quyết. Về nguyên tắc, vai trò của hội phụ huynh là hỗ trợ, đứng bên cạnh nhà trường, còn nhiệm vụ giáo dục chính vẫn do nhà trường gánh vác. Chính vì thế, nhà trường phải hướng các khoản hỗ trợ của hội phụ huynh vào những việc giúp nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không phải nâng cao hình thức cho trường.

Nhà trường sẽ quyết định tổ chức hoạt động gì và không tổ chức hoạt động gì, không thể “chuyển trách nhiệm” cho hội phụ huynh rằng “vì hội phụ huynh tự nguyện đề nghị” mà thực hiện những hoạt động tốn kém nhiều chi phí của phụ huynh. Các giáo viên có đủ năng lực dạy học sinh làm điều hợp lý cũng sẽ là người biết hoạt động nào hợp lý để nâng cao chất lượng giảng dạy, hoạt động nào gây lãng phí, “lạm thu”.

Thêm vào đó, thế lưỡng nan của hội phụ huynh có thể được hóa giải tốt hơn khi các hội phụ huynh cải cách cách thức vận hành và cách tổ chức thu quỹ hội phụ huynh mang tính tự nguyện đúng nghĩa. Trong tình hình hiện tại, không được nhầm lẫn sự vận hành “lệch lạc” của hội phụ huynh với vai trò của hội.

Vấn đề là phải bỏ đi cách vận hành “lệch lạc” đó, thay thế bằng cách vận hành dân chủ, minh bạch hơn. 

TS. Dương Đức Đại

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

'Lạm thu' đang xâm phạm những giá trị cốt lõi của giáo dục

'Lạm thu' đang xâm phạm những giá trị cốt lõi của giáo dục

Những khoản thu “tự nguyện bởi không thể từ chối” đã gây ra những hệ lụy với môi trường giáo dục công lập, khắc sâu thêm xu hướng phân hóa xã hội về thu nhập và mức sống,

Phụ huynh lại dậy sóng khi 'mùa' thu tiền tự nguyện bắt đầu

Phụ huynh lại dậy sóng khi 'mùa' thu tiền tự nguyện bắt đầu

Hiệu trưởng lên tiếng vụ phụ huynh tố bị lăng mạ vì từ chối đóng tiền 'tự nguyện'

Hiệu trưởng lên tiếng vụ phụ huynh tố bị lăng mạ vì từ chối đóng tiền 'tự nguyện'