Hệ thống tưới tiêu cổ ở Iran, núi đá Huashan ở Trung Quốc, Đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ và thành phố đá cổ Nan Madol ở Micronesia là 4 danh thắng mới được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản Thế giới.
Hệ thống tưới tiêu cổ của Iran được xây dựng từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên, đến nay vẫn có khả năng cung cấp nước cho 40 ngàn ha. |
Hệ thống tưới tiêu cổ ở Iran vốn được coi là kiệt tác của sự sáng tạo thiên tài. Công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên với hai con kênh chính cung cấp nước cho các cối xay trên sông Karun cấp nước tưới cho diện tích lên đến 40.000 ha. Hệ thống là minh chứng cho một tầm nhìn tổng thể và khả năng sáng tạo các kênh dẫn dòng, đập tràn, đập lớn, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của con người. Tới nay hệ thống vẫn còn sử dụng được.
Núi đá Huashan ở Trung Quốc được vinh danh lần này là khu văn hóa nghệ thuật trên đá ở Zuojiang Huashan, một di sản của văn hóa thời kỳ đồ đồng từng thịnh hành ở khắp miền Nam nước này với 38 điểm tham quan các hình khắc của người cổ đại trên đá.
Đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ |
Đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ, một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới, được cho là trường Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Dù không phải là thánh địa tâm linh quan trọng như những thánh tích liên quan đến cuộc đời Đức Phật, Đại học Mahavihara Nalanda là nơi sản sinh ra các bậc thánh tăng thời đức phật và các bậc cao tăng có công truyền bá Phật giáo.
thành phố đá cổ Nan Madol ở Micronesia |
Thành phố đá cổ Nan Madol ở Micronesia là thành phố cổ duy nhất của thế giới xây dựng trên rạn san hô, nằm ngay ngoài khơi bờ biển phía Đông của đảo Pohnpei, Micronesia. Nan Madol bao gồm 99 hòn đảo nhỏ nhân tạo liên kết với nhau bằng một mạng lưới kênh rạch do đó thường được gọi là "Venice của Thái Bình Dương."
Bao quanh thành phố là một con đê biển. Các đảo nhỏ này được xây dựng gần như hoàn toàn bằng các bức tường đá bazzan (hình thành từ dung nham núi lửa) hình lăng trụ cao từ 5,5m đến 7,6m và dày trên 5m. Điều khiến các nhà khảo cổ bị thu hút tới đây là để giải thích câu hỏi vì sao các bức tường này có thể xây cao đến vậy bằng cách xếp chồng lên nhau khi mà mỗi khúc đá bazan nặng tới 50 tấn.
Khánh An