Từ lâu, giới chức Mỹ đã quan ngại việc công ty mẹ ByteDance có quyền tiếp cận thông tin của hàng trăm triệu người dùng TikTok. Theo CNBC, một nhân viên tuyển dụng cùng 4 người từng làm việc tại TikTok đã xác nhận lo ngại này là đúng.
Các nhân viên này cũng cho biết ByteDance có quyền quyết định và can thiệp vào hầu hết hoạt động của TikTok tại Mỹ. Do đó, nhân viên ở California phải làm việc theo giờ hành chính Trung Quốc để có thể trao đổi với đồng nghiệp ở Bắc Kinh.
ByteDance là công ty mẹ, quản lý hoạt động của TikTok. Ảnh: Getty. |
Năm 2020, trước lo sợ TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa cấm ứng dụng này trong khi TikTok liên tục chối bỏ cáo buộc. Đầu tháng 6, Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã rút lại quyết định trên.
Theo lời cựu nhân viên TikTok, ranh giới phân định TikTok và ByteDance mờ nhạt đến mức không tồn tại.
Một cựu nhân viên chứng minh ByteDance có quyền tiếp cận dữ liệu ở Mỹ bằng một tình huống thường xuyên xảy ra. Nếu nhân viên tại trụ sở Mỹ muốn có thông tin của những khách hàng quan tâm đến một chủ đề, họ sẽ được chỉ định làm việc với nhóm quản lý dữ liệu ở Trung Quốc. Dữ liệu nhận được không chỉ có ID mà có thể là bất cứ thông tin gì.
Một nhân viên khác cũng xác nhận điều này.
Ngay chính trong chính sách riêng tư của TikTok cũng ghi rõ công ty có thể chia sẻ dữ liệu với các công ty liên kết, trong đó có ByteDance.
Theo Bryan Cunningham, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách An ninh mạng, Đại học California, trong trường hợp chính phủ Trung Quốc yêu cầu cung cấp dữ liệu, ByteDance hoàn toàn có thể làm theo. Luật tình báo quốc gia Trung Quốc quy định mọi tổ chức và công dân có nghĩa vụ hỗ trợ, tạo điều kiện và hợp tác với chính quyền.
Mối liên kết giữa TikTok và công ty mẹ không chỉ dừng lại ở chia sẻ dữ liệu.
CNBC dẫn lời cựu nhân viên TikTok cho biết toàn bộ sản phẩm mà TikTok phát triển đều được quản lý bởi nhân viên của ByteDance. Không những vậy, từng hợp đồng nhỏ cho đến nước đi chiến lược đều được nhân viên quản lý ở Trung Quốc quyết định.
Các cựu nhân viên đều phải có địa chỉ email của cả TikTok và ByteDance. Một người chia sẻ anh cảm thấy như đang làm việc cho cả hai công ty.
Trả lời CNBC về vấn đề này, TikTok cho rằng đây là phương thức hoạt động của nhiều công ty công nghệ đa quốc gia hiện nay, để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trên toàn thế giới.
Theo nhận định của chuyên gia an ninh mạng, có 2 nhóm nguy cơ lớn tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa TikTok và công ty mẹ.
Nguy cơ đầu tiên đến từ khả năng chính phủ Trung Quốc có thể lợi dụng nền tảng mạng xã hội mà hàng triệu người Mỹ dùng hàng ngày để tuyên truyền thông tin sai lệch. Thêm vào đó, công ty cũng có thể ẩn bình luận không mong muốn.
Trụ sở TikTok tại Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Một nguy cơ lớn hơn nhưng ít được bàn luận chính là quyền kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với dữ liệu người dùng TikTok.
Theo chính sách riêng tư của TikTok, ứng dụng này có quyền thu thập nhiều loại dữ liệu khác nhau, bên cạnh thông tin tài khoản cơ bản. Dữ liệu như độ tuổi, giới tính và thiên hướng tình dục còn có thể được thu thập qua khảo sát và các cuộc thi.
TikTok còn có thể ghi nhớ địa chỉ, tin nhắn và thói quen của người dùng, bao gồm lượt thích, nội dung đã xem và thời gian dành cho ứng dụng. Từ đây, Tiktok có thể suy ra sở thích của từng cá nhân trên nền tảng.
Quan trọng nhất, nội dung đăng tải trên nền tảng, kể cả những bản nháp, đều được lưu trữ, và đây là một kho dữ liệu khổng lồ.
Theo Zing/CNBC
Ngôi sao TikTok xinh đẹp nhận mức án 10 năm tù
Haneen Hossam, 20 tuổi, là một trong hai người có sức ảnh hưởng trên TikTok phải nhận bản án tù từ tòa án hình sự Cairo hôm 20/6. Hossam, người bị kết án về tội buôn người, đã bị tuyên mức án dài hơn do không ra hầu tòa.