- Thảo luận luật Quản lý thuế tại hội trường sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều kẽ hở dẫn đến hành vi trốn thuế, nợ thuế, gây thất thu ngân sách và mong luật bịt được các kẽ hở trên.


Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chế tài xử lý đối với việc nộp thuế chậm hoặc khai sai, gian lận.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đánh giá rằng mức phạt 0,07% là quá cao; đề nghị giữ như quy định hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tăng mức phạt chậm nộp lên 0,1%; quy định mức phạt chậm nộp theo biểu lũy tiến.

ĐB Đỗ Thị Thu Hằng

Trong báo cáo giải trình tiếp thu, Thường vụ QH khẳng định, một trong những mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thất thu. Mức xử phạt 0,05%/ngày (không phân biệt thời hạn chậm nộp) như quy định hiện hành là quá thấp, dẫn đến tình trạng người nộp thuế cố tình chây ỳ nhằm chiếm dụng tiền thuế, gây thất thu cho ngân sách. Vì vậy, Thường vụ xin tiếp thu theo hướng quy định mức phạt theo biểu lũy tiến đối với hành vi nộp chậm.

Về vấn đề cưỡng chế trong trường hợp chây ỳ, đại biểu Điểu K`Rứ (Đắk Nông) góp ý, luật hiện hành quy định chỉ cưỡng chế với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày trở lên,còn từ 90 ngày trở xuống thì chỉ phải nộp phạt chậm tiền thuế theo mức 0,05%/ngày/số tiền nợ.

Ông Điểu K`Rứ nhẩm tính, quy định như vậy đã tạo điều kiện người nợ thuế được quyền chiếm dụng tiền thuế 3 tháng. Sau đó, nếu cơ quan thuế muốn cưỡng chế thì phải thu thập thông tin mất thêm một tháng. Do vậy, đề nghị nếu hết thời hạn nộp thuế thì phải xử lý và tiến hành cưỡng chế.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) bổ sung, dự thảo luật có ghi các doanh nghiệp thực hiện tuần tự 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là cứng nhắc. Bởi lẽ, hiện nay người nộp thuế được ân hạn thuế và chỉ khi quá thời hạn nộp thuế 90 ngày mà không nộp thì mới cưỡng chế, do đó người nộp thuế đã có thời gian chuẩn bị tiền.

Phần lớn các trường hợp nợ quá 90 ngày đều cố tình chây ỳ không nộp và tự ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn, mất tích. Nếu vẫn tiến hành tuần tự quy trình chỉ e đến lúc xác minh xong thì DN đã trốn, tài sản tẩu tán chẳng còn gì để thu hồi.

Theo bà Phúc, ngay từ đầu nếu được phép áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế, nếu có thông tin và đủ điều kiện áp dụng biện pháp nào hiệu quả nhất, sẽ đảm bảo khả năng thu hồi nợ thuế.

ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) bổ sung, nên có thêm chế tài xử lý hành vi đã kê khai thuế nhưng không nộp, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh. Bởi vừa qua, rất nhiều DN bỏ trốn vì sản xuất đình đốn nhưng luật chưa quy định chế tài xử lý. Chưa kể lợi dụng kẽ hở, nhiều người lập DN, xuất hóa đơn cho DN khác làm thủ tục hoàn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Gia hạn nộp thuế phải công khai

Một vấn đề khác được quan tâm là gia hạn nộp thuế.

ĐB Phạm Huy Hùng

Theo ông Phùng Quốc Hiển, việc gia hạn nộp thuế chỉ nên áp dụng khi nền kinh tế gặp khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ DN phục hồi, duy trì sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng gia hạn trên diện rộng những năm gần đây đã ảnh hưởng nhất định đến số thu ngân sách.

Ủy ban Thường vụ QH xin bổ sung nội dung: Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được QH phê duyệt.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, quy định này vừa bảo đảm được linh hoạt cho Chính phủ trong việc áp dụng chính sách tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn lại vừa tránh được những ảnh hưởng đến việc thu ngân sách.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng đồng tình việc trao quyền cho Chính phủ chủ động gia hạn nhưng phải giải trình và đảm bảo cân đối ngân sách theo khung chi tiêu trung hạn và thông tin rộng rãi trong nền kinh tế. “Trường hợp các dự báo không cho thấy khả năng cân đối ngân sách theo khung chi tiêu trung hạn thì QH quyết định”, ông Hùng lưu ý.

Dự án luật sẽ được biểu quyết vào cuối kỳ họp.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 9 vẫn còn 5.784 lô hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và 961 hợp đồng gia công xuất khẩu vẫn chưa tiến hành thanh khoản với số tiền nợ thuế quá hạn là 1.497 tỷ đồng. Trong đó số của DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh đã và đang bị điểu tra khởi tố mà không có khả năng thu hồi là 500 tỷ đồng. Khả năng mất hẳn.


Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng