-Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một dự luật cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, có những quan ngại rằng, chính động thái này có thể gây ra sự rạn nứt giữa Washington với các đồng minh châu Âu.
Tuy dự luật sẽ hạn chế ở phạm vi tác động lập tức, nhưng nó đặt nền tảng để Quốc hội Mỹ tiến hành kiểu trừng phạt mạnh tay hơn với Nga trong năm tới nếu cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng viện, thực tế Cộng hòa kiểm soát quốc hội cho thấy, bản thân Obama có thể bị cuốn vào một chính sách đối ngoại đối đầu không chỉ với Iran mà với cả Nga vào năm 2015. Trước khi Dân chủ thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11, các lãnh đạo Dân chủ trong Thượng viện có thể ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu về quyết định trừng phạt mạnh tay hơn.
Lệnh cấm vận mới đưa ra giữa lúc kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu giảm mạnh và đồng rúp lao dốc. Ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải tăng lãi suất từ 10,5% lên 17% hôm thứ ba. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây bị coi là đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy dòng chảy vốn ra khỏi Nga làm xói mòn lòng tin vào nền kinh tế nước này.
Obama đã có một số ngày cân nhắc nên hay không ký vào dự luật mà lưỡng viện đã nhất trí thông qua từ hôm thứ Bảy. Hôm thứ ba, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, bản cuối cùng của dự luật đủ "độ linh hoạt" để tổng thống ký.
Tác động trực tiếp lớn nhất của dự luật là yêu cầu chính quyền của Obama áp dụng biện pháp trừng phạt với Rosoboronexport - nhà xuất khẩu vũ khí chủ chốt của Nga. Công ty này "thoát khỏi" các danh sách cấm vận trước đó, một phần vì có vai trò trong cung cấp trực thăng tới Afghanistan.
Theo dự luật, chính quyền Obama sẽ phải áp dụng cấm vận với Gazprom nếu hãng này giảm đáng kể cung cấp khí tự nhiên tới Ukraine, Grudia, Moldova hay các nước Nato. Nó cũng cho phép Washington hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine gồm cả vũ khí chống tăng - vấn đề gây tranh cãi lớn trong chính quyền nhưng tới nay, Obama vẫn phản đối vì lo ngại có thể gây ra phản ứng tiêu cực hơn từ Nga.
Ảnh: Getty Image |
Tuy nhiên, phần này trong dự luật không thực sự đòi hỏi chính quyền Obama phải cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. “Đây là bước đi quan trọng để việc hỗ trợ ý nghĩa với người Ukraine trở thành hiện thực", Roberto Menendez, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết.
Trước nay, Washington vẫn tránh một dự luật cấm vận mới với Nga vì lo ngại nó có thể tổn hại tới mặt trận thống nhất mà Mỹ cố gây dựng với EU về vấn đề Ukraine. Quan chức Mỹ lo rằng, những động thái đơn phương của Washington có thể làm xòi mòn sự ủng hộ xuyên Đại Tây Dương về khả năng duy trì áp lực kinh tế với Moscow.
Theo hãng CNN, kinh tế Nga sụt giảm sẽ không chỉ gây thiệt hại cho riêng quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều đối tác của Nga, nhất là ở châu Âu. Đức là một trong những quốc gia sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhấ. Thương mại Đức - Nga năm 2013 đạt 95,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến xuất khẩu giảm mạnh, nhiều công ty buộc phải dừng việc đầu tư. Đức cho biết không còn đặt nhiều kỳ vọng trong dự báo tăng trưởng năm 2015 như ban đầu. Sự bất lợi kinh tế của Đức cũng có thể sẽ gây áp lực lên cả khu vực đồng Euro.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng Nga. Để trả đũa lại những lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã cấm nhập khẩu nhiều thực phẩm thiết yếu từ châu Âu, Mỹ, Australia và Canada. Trong khi đó, năm 2013, 10% sản lượng xuất khẩu thực phẩm của châu Âu, trị giá 15 tỷ USD, là sang Nga. Moscow đã trở thành khách hàng lớn thứ hai của châu lục này.
Giới phân tích cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất của dự luật là cho phép - nhưng không bắt buộc - áp đặt lệnh trừng phạt thứ cập với những công ty của nước thứ ba vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Nga. Nếu áp dụng ở giai đoạn tiếp theo, nó có thể buộc Mỹ phải trừng phạt một ngân hàng nước ngoài dính líu tới các lĩnh vực kiểu như thăm dò dầu khí biển sâu hiện nằm trong danh sách bị cấm vận mà Mỹ đưa ra.
“Việc quốc hội xem xét cho phép áp dụng lệnh trừng phạt thứ cấp với Nga sẽ tạo ra mối bất hòa lớn với châu Âu", Cliff Kupchan thuộc Eurasia Group tại Washington nói. “Nó giống như các biện pháp cấm vận mà Mỹ áp dụng với Iran. Quốc hội đang bắt đầu di chuyển theo hướng đó với Nga".
Về phần mình, quan chức Nga đã chỉ trích mạnh mẽ động thái mới của Mỹ. “Nga sẽ không chỉ tồn tại mà trở nên mạnh mẽ hơn nhiều", Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố. "Chúng tôi từng gặp nhiều tình huống tồi tệ hơn trong lịch sử của mình, và mọi lúc, chúng tôi đều vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn".
Minh Tâm (Theo FT)