Mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ bên hành lang Quốc hội về việc đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam.
Vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như: có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hoá. Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn. Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí này sẽ mở rộng không gian Nhà hát Lớn, tạo thành quần thể mang dấu ấn văn hóa riêng cho Hà Nội.
"Phía trước là Nhà hát Lớn Hà Nội, sau là nhà hát quốc gia với đầy đủ công năng, tiếp đến là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tạo thành hệ thống kết nối với không gian văn hóa Hồ Gươm, trở thành hệ sinh thái văn hóa riêng của Thủ đô, góp phần kích thích du lịch, kinh tế đêm cho thành phố", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng.
Chia sẻ với VietNamNet, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng “thêm một nhà hát sau Nhà hát Lớn rất ảnh hưởng tới cảnh quan chung”.
Ông Nghiêm phân tích, quá trình lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội đã tạo ra những điểm kết tinh của các nền văn hóa. Thế kỷ 19, tính từ khi người Pháp đến cho tới nay là 2 thế kỷ, Hà Nội luôn có những khu vực đặc thù như: khu phố cổ, khu phố cũ, khu phát triển mới… mang dấu ấn.
“Khu vực trung tâm thành phố, Nhà hát Lớn được xác định là bảo tồn theo kiến trúc Pháp. Sau quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội năm 1998, nhiều quy hoạch chi tiết để bảo tồn và phục dựng khu vực này. Tất cả các công trình xung quanh khu vực này được xây dựng nhằm tôn vinh và hướng tới kiến trúc Pháp.
Đặc biệt từng có đề xuất di dời Tổng cục Địa chất phía sau Nhà hát Lớn để phát huy những giá trị của kiến trúc Pháp, đồng thời tạo ra không gian đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân đến chiêm ngưỡng. Để đảm bảo tính đa dạng, sau này cũng có nhiều đề xuất xây dựng, cải tạo cảnh quan… nhưng đều không tìm được sự đồng thuận. Đến bây giờ, từ khu vực không gian Nhà hát Lớn cho tới khu vực xung quanh, các công trình đều có hướng nhất định, theo phong cách kiến trúc Pháp”, ông Nghiêm cho biết.
Chính vì thế, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng đặt thêm Nhà hát các dân tộc ở vị trí này là “không hợp lý, không tôn vinh được giá trị đặc trưng của khu vực”. “Chỉ nên tập trung kiến trúc mang đậm bản sắc cho từng khu vực chứ không nên trộn lẫn khiến người dân khó chấp nhận”, ông Nghiêm thẳng thắn.
Ông Nghiêm nhìn nhận, hiện nay Hà Nội có mạng lưới nhà hát tương đối rộng. Có nhà hát mang chức năng tổng thể như Nhà hát Lớn, có nhà hát lại mang tính chuyên đề như Nhà hát Chèo, Nhà hát Kịch, Nhà hát Tuổi trẻ… Các nhà hát này đã ở những khu vực khác nhau để giao thông thuận tiện, không bị dồn ứ mỗi khi nhiều chương trình nghệ thuật của các nhà hát diễn ra cùng một lúc.
“Trước khi đề xuất, chúng ta nên nhận diện lại những kết quả đã từng nghiên cứu. Việc nghiên cứu nhà hát này là một vấn đề văn hóa tích hợp nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có văn hóa đơn thuần”, ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm đề xuất, nếu cần thiết xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam thì nên xây dựng tại khu vực thành Cổ Loa.
“Đây là tích quốc gia đặc biệt, có dấu ấn chuyển hóa từ nền văn minh đồi núi sang văn minh lúa nước. Đặt Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở đó thì phù hợp hơn bởi nó minh chứng Hà Nội - nơi tập trung được nhiều dân tộc, là nguồn gốc Nhà nước Âu Lạc”, ông Nghiêm nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với ông Nghiêm, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, quanh khu vực Nhà hát Lớn đã có rất nhiều các thiết chế văn hoá như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội... thêm một nhà hát nữa sẽ diễn ra cảnh ‘chen chúc’ mất đi cảnh quan.
Thời điểm năm 2017, khi còn là Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Ngọc Thiện cũng từng đề xuất quy hoạch khu vực Nhà hát Lớn và xây dựng tour du lịch đến đây. Theo đó, khuôn viên Nhà hát Lớn sẽ được chỉnh trang, xóa bỏ hàng rào và quán cà phê bên trong để tạo không gian mở kết nối với Quảng trường Cách mạng tháng Tám, vườn hoa Cổ Tân, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bộ VHTT&DL sẽ tạo cơ chế để Nhà hát thành phố là điểm văn hóa đặc biệt, tránh thương mại hóa, thay vào đó là nơi biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính đặc trưng Thủ đô và giàu bản sắc dân tộc. |