Thế giới có 89.000 trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ
Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC, thuộc WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Đặc biệt, ung thư phổi nằm trong nhóm ung thư phổ biến với cả hai giới nam và nữ. Riêng ung thư phổi, năm 2020, nước ta ghi nhận 26.262 ca mắc mới, 23.797 ca tử vong.
Ung thư phổi hiện chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong do ung thư và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư ở cả nam và nữ. Đáng lo ngại hơn là sự gia tăng về tỷ lệ mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ ở những bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc hoặc có tiền sử hút thuốc tối thiểu. Khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ chưa từng hút thuốc.
Ngoài ra, độ tuổi của bệnh nhân khá trẻ, có khoảng hơn 50% bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ có độ tuổi dưới 50. Trên thế giới, tổng số trường hợp mắc mới ung thư phổi không tế bào nhỏ có khối u được xác định là ALK+ hiện chiếm khoảng 89.000 trường hợp.
Điều đáng lưu ý là, 89% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có ALK+ khi phát hiện đã bước vào giai đoạn IV với tỷ lệ di căn não khá cao. Đây được coi là một gánh nặng lớn với bệnh nhân khiến giảm chất lượng sống lẫn thời gian sống. Theo đó, nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, bệnh nhân chỉ còn thời gian sống từ 6 - 20 tháng.
Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ ALK+ với Alectinib
Ngoài các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội... những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia cập nhật kịp thời các phương pháp, kỹ thuật, thuốc điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.
Trong đó, Bộ Y tế vừa chính thức phê duyệt liệu pháp điều trị mới, sử dụng hoạt chất Alectinib, giúp kéo dài thời gian sống trên 5 năm so với các liệu pháp cũ, giữ cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có ALK+ có được gần 3 năm bệnh không tiến triển.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa - Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện K, từ thực tế điều trị trên thế giới cũng như những kết quả nghiên cứu cho thấy, Alectinib đã kéo dài đáng kể thời gian sống của bệnh nhân ung thư phổi. Từ đó, giúp bệnh của họ không tiến triển nặng hơn, đồng thời nguy cơ ung thư di căn đến não của bệnh nhân giảm rõ rệt. Cụ thể, 62,5% bệnh nhân điều trị bằng hoạt chất Alectinib có thời gian sống kéo dài trên 5 năm, có được gần 3 năm không tiến triển nặng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
TS. BS Lê Thượng Vũ - Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, thực tế điều trị trên thế giới cho thấy, Alectinib là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bước đầu cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ALK+ giai đoạn tiến xa. Theo đó, việc sử dụng hoạt chất này trong điều trị sẽ giúp dung nạp tốt hơn, đồng thời giảm tác dụng phụ và độc tính giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ALK+.
Ông Girish Mulye - Tổng Giám đốc Roche Pharma Việt Nam chia sẻ: “Ung thư phổi nói riêng và các bệnh lý nguy hiểm nói chung là một lĩnh vực được Roche tập trung nghiên cứu trong nhiều năm qua nhằm giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi rất vui mừng khi có thể mang đến một phương pháp điều trị sáng tạo, giúp bệnh nhân ung thư phổi kéo dài sự sống và có thêm nhiều khoảnh khắc ý nghĩa bên người thân yêu”.
Roche là công ty hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị chẩn đoán, trên nền tảng ứng dụng khoa học để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người. Là công ty dược phẩm sinh học lớn trên thế giới, Roche không ngừng tìm kiếm các phương thức phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh tật, đồng thời có những đóng góp mang tính bền vững cho xã hội. Ngoài ra, Roche cũng nổi bật trong lĩnh vực chẩn đoán in vitro (thử nghiệm mô trong ống nghiệm), chẩn đoán ung thư dựa trên mô tế bào và là tên tuổi đi đầu trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Với thế mạnh tổng hợp của cả lĩnh vực dược phẩm và thiết bị chẩn đoán, Roche có lợi thế trong chiến lược cá nhân hóa việc chăm sóc sức khỏe, nhằm cung cấp những giải pháp điều trị mang tính cá nhân, phù hợp với từng bệnh nhân. |
Ngọc Minh