- Đề thi môn Lịch sử sáng ngày 4/7 được các giáo viên và thí sinh nhận định là có tính phân hóa cao, không nặng về dữ liệu ngày tháng, sự kiện, mà tập trung vào kỹ năng phân tích, bình luận và thể hiện quan điểm tư duy của thí sinh.

  {keywords}
Thí sinh vui vẻ vì làm được bài môn Lịch sử (Ảnh Văn Chung)

Đề thi thỏa mãn thí sinh

Nhiều thí sinh được hỏi tỏ ra lạc quan với kết quả làm bài. Tại điểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, em Lê Hương Nội ((Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng đề năm nay khá mở, có những câu hỏi không cần tới kiến thức Lịch sử cũng có thể làm được, như: liên hệ một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay, trình bày suy nghĩ về khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Hương cho biết kiến thức trong bài không nằm ngoài những kiến thức em đã ôn tập.

Thí sinh Trịnh Thị Hiền (Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Ý Yên, Nam Định) cũng đồng ý rằng đây là câu “gỡ điểm” cho những thí sinh chỉ xét tốt nghiệp. Hiền hào hứng cho biết em hoàn thành bài thi chỉ với 2/3 thời gian.

“Em rất thích hai câu hỏi trình bày suy nghĩ về khẳng định trong tuyên ngôn độc lập và câu Thanh niên Việt Nam cần làm gì…Đây là hai câu hỏi cho thí sinh có quyền tư duy, ngoài những chi tiết phải đảm bảo đúng sự kiện lịch sử” – thí sinh Nguyễn Thùy Vy (TP.HCM) nhận xét về đề.

Nguyễn Huyền Anh (Đồng Nai) cũng cho rằng đề Lịch sử năm nay rất cơ bản, kiến thức đều nằm trong những giai đoạn cốt lõi trong quá trình học lịch sử, đã được học đi học lại nhiều năm. Em cho biết rất hứng thú với đề năm nay vì không yêu cầu thí sinh học thuộc mà còn đòi hỏi thí sinh tư duy tổng hợp, đặc biệt là khả năng tư duy trong câu hỏi cuối.

Một số thí sinh khác cũng nhận định đề Lịch sử năm nay có nhiều đổi mới: ngắn gọn, nhẹ nhàng, nhiều câu hỏi hay, không bắt thí sinh phải nhớ các con số. “Em thấy ra đề kiểu này em làm bài rất thoải mái, không bị đau đầu” là nhận xét của em Tuyết Anh (Trường THPT Đào Duy Từ).

Giáo viên tâm đắc

  {keywords}
Thí sinh thở phào vì đề thi vừa sức (Ảnh Văn Chung)

Các giáo viên dạy Sử cũng tỏ ra phấn khởi khi nhận xét về đề năm nay. Cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên môn sử tại TP.HCM cho rằng đề đáp ứng tốt cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt 6-7 điểm, học sinh khá, giỏi, biết tư duy mới có thể đạt điểm cao.

Trong khi đó, cô Bùi Thị Phượng – Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM cho biết rất tâm đắc với đề thi này. “Đề thi năm nay đáp ứng được tinh thần đổi mới trong giáo dục, đổi mới cho người dạy, cho người học. Cách ra đề này thì khắc phục được việc học vẹt của học sinh và tạo tư duy logic cho các em trong môn xã hội, phát huy khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức tốt. Nếu em nào học tốt môn Văn, thì làm đề Sử cũng sẽ có những lợi thế nhất định”.

Cô Phương cũng cho rằng cấu trúc đề thi đi từ câu hỏi dễ tới khó, tạo tâm lý tốt cho thí sinh.

Một điểm mà cô Phương cũng rất tâm đắc trong đề thi năm nay là có sự đổi mới trong câu hỏi vế 2 của câu IV về chủ quyền quốc gia. Với môn lịch sử, vấn đề chủ quyền quốc gia không là mới, nhưng với cách ra đề mới về chủ quyền quốc gia, người ra đề đã mang hướng mở, cho các em trình bày, nêu những quan điểm của mình về vấn đề này dựa trên các kiến thức của em có.

Cô Phượng tiết lộ: “Sau khi kết thúc môn, nhiều học sinh gọi cho tôi chia sẻ là các em làm bài khá tốt và cũng rất tâm đắc về câu hỏi mở này. Điều đó cho thấy sự thành công trong cách ra đề năm nay của Bộ”.

Thí sinh thi Lịch sử thấp nhất

  {keywords}
Thí sinh tự tin vì làm được bài (Ảnh: Lê Huyền)

Trong khi đó, thầy trò nhiều nơi chia sẻ những tín hiệu đáng mừng về đề thi Lịch sử năm nay thì theo số liệu thống kê tại các cụm thi, thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử có thể nói là thấp nhất trong tất cả các môn – 153.000 thí sinh dự thi.

Vẫn như từ trước tới nay, Lịch sử luôn là môn học bị cho là “nỗi ám ảnh” của nhiều học sinh khi phải dung nạp một lượng kiến thức nặng nề với nhiều số liệu, sự kiện.

Tại cụm thi ĐH Kinh tế quốc dân sáng 4/7, chỉ có 1146 thí sinh dự thi ở 2 điểm thi đặt tại trường. Đây là môn thi ít thí sinh nhất trong 8 môn ở kỳ thi THPT quốc gia của cụm.

Tại cụm thi ĐH Bách khoa Hà Nội sáng nay cũng chỉ có 1600 thí sinh dự thi ở 44 phòng thi đặt tại 2 điểm thi ở tại trường. So với các môn còn lại, số thí sinh dự thi môn Lịch sử ở cụm này chỉ bằng ¼ đến 1/5, thậm chí chỉ gần bằng 1/10 các môn có số thí sinh đăng ký đông như Toán, Văn.

Tại cụm Bách Khoa, tỷ lệ thí sinh tới dự cũng thấp hơn các môn còn lại – 93,5%, trong khi các môn trước đó đều trên dưới 98%.

Cụm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 2695 thí sinh dự thi trên tổng số 2867 thí sinh đăng ký, đạt tỉ lệ 94%.

  • BAN GIÁO DỤC