Trong đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam, nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR là 1 trong 3 nền tảng công nghệ được 2 bộ Y tế và TT&TT khuyến cáo ứng dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19.
Thời gian qua, nền tảng này đã hỗ trợ các địa phương truy vết nhanh các ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Khi có trường hợp F0, sẽ dễ dàng phát hiện ngay danh sách địa điểm công cộng mà F0 đã đến. Theo thống kê, tính đến ngày 21/1/2022 trên toàn quốc đã có gần 3,7 triệu điểm đăng ký quét mã QR kiểm soát người vào ra, với tổng lượt quét mã QR để ghi nhận vào ra tại các địa điểm đăng ký lên tới hơn 227,7 triệu lượt.
Việc triển khai quét mã QR phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có thể thực hiện bằng cách người dân quét mã QR địa điểm hoặc chủ địa điểm quét mã QR của người dân thông qua ứng dụng phòng chống dịch/ camera kết nối hoặc tích hợp trên máy tính, thiết bị quét mã QR.
Việc Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật với thiết bị đọc mã QR trong phòng chống dịch nhằm tạo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân khi sử dụng. |
Thiết bị đọc mã QR là thiết bị điện tử cho phép đọc các mã QR và truyền dữ liệu mã QR đó đến máy tính, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác để xử lý. Nhằm tạo sự thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức khi sử dụng các thiết bị đọc mã QR trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ TT&TT mới đây đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với thiết bị đọc mã QR phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (phiên bản 1.0).
Theo đó, trong trường hợp cần thiết triển khai thiết bị quét mã QR, các tổ chức, cá nhân tùy theo nhu cầu sử dụng, tần suất sử dụng, đặc điểm môi trường để chủ động xem xét, áp dụng nội dung hướng dẫn một cách phù hợp.
Cụ thể, về yêu cầu chung, hướng dẫn của Bộ TT&TT nêu rõ: Thiết bị đọc mã QR phải bảo đảm không truyền, lưu trữ các dữ liệu phát sinh cho các đối tượng không được cấp quyền truy cập; Có khả năng đọc các mã trên thẻ Căn cước công dân gắn chip, mã QR trên thẻ Bảo hiểm y tế, mã ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ TT&TT triển khai; mã QR đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7322:2009 về CNTT - Kỹ thuật phân định và thu thập dữ liệu tự động – Yêu cầu kỹ thuật đối với mã hình QR Code 2005. Đồng thời, hỗ trợ cơ chế cập nhật phần mềm kèm theo thiết bị đọc (nếu có) bao gồm cập nhật các bản vá và các lỗ hổng bảo mật.
Bên cạnh các yêu cầu chung, thiết bị đọc mã QR phải đáp ứng 15 yêu kỹ thuật cụ thể, bao gồm: IP (chỉ tiêu bảo vệ chống xâm nhập) tối thiểu bằng IP 41; có thể phát hiện mã QR xuất hiện trong khung hình; kích thước mã QR mà thiết bị đọc được từ 1cm x 1cm; hoạt động 24/7; có thể nhận diện mã QR chuyển động trong phạm vi quét; có thể quét tự động hoặc bấm nút khi cầm tay; có khả năng lưu trữ dữ liệu trên thẻ nhớ, bộ nhớ trong của thiết bị hoặc lưu trữ trong các hệ thống mà thiết bị kết nối, dung lượng đảm bảo lưu trữ dữ liệu phát sinh trong thời gian tối thiểu 1 ngày...
Trước đó, vào ngày 11/9/2021, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 (phiên bản 1.1). Theo hướng dẫn này, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được cấp 1 mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19. Việc Bộ TT&TT có hướng dẫn để hiển thị và sử dụng 1 mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Vân Anh
Thống nhất một mã QR dùng chung cho các ứng dụng, nền tảng công nghệ chống dịch
Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc tạo tiền đề quan trọng giúp người dân có thể chọn dùng ứng dụng cung cấp mã QR cá nhân phù hợp để phòng chống dịch Covid-19.