Hệ thống LRIT là hệ thống cung cấp dịch vụ nhận dạng và dõi theo hành trình tàu biển trên phạm vi toàn cầu, cho phép các chính phủ thành viên giám sát vị trí của các tàu treo cờ quốc gia hoạt động trên các vùng biển. |
Theo thông tin từ Vishipel, Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài. Tuy nhiên, do những đặc thù về vị trí địa lý, vùng biển Việt Nam cũng là nơi thường xuyên xảy ra các hiện tượng mưa bão, áp thấp nhiệt đới, gây nguy hiểm cho việc hành hải, đánh bắt hải sản và các hoạt động khác trên biển. Theo Công ước quốc tế SOLAS - 74 sửa đổi về an toàn sinh mạng trên biển, các quốc gia có bờ biển phải thiết lập hệ thống thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) phục vụ các phương tiện hoạt động trên biển.
Ngày 19/5/2006, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua Nghị quyết MSC.202(81), bổ sung sửa đổi điều 19, Chương V Công ước SOLAS-74 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2008 về việc phải triển khai thiết lập hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (viết tắt là LRIT), có khả năng nhận dạng và dõi theo hành trình tàu biển trên phạm vi toàn cầu. Qua đó, tất cả các quốc gia thành viên tham gia Công ước SOLAS đều phải tuân theo các quy định trong Nghị quyết này và phải thiết lập một Hệ thống dữ liệu LRIT trung tâm nhằm quản lý và lưu trữ dữ liệu của các tàu treo cờ quốc gia mình.
Hệ thống LRIT là hệ thống cung cấp dịch vụ nhận dạng và dõi theo hành trình tàu biển trên phạm vi toàn cầu. Nó cho phép các chính phủ thành viên giám sát vị trí của các tàu treo cờ quốc gia hoạt động trên vùng biển A1, A2, A3 cũng như thông tin về các tàu nước ngoài dự kiến cập cảng quốc gia và các tàu hoạt động trong vùng biển được quyền thu nhận thông tin LRIT của quốc gia.
Vishipel cho biết, hệ thống LRIT được chia thành 2 thành phần chính là thành phần trên tàu và thành phần trên bờ. Thành phần trên tàu: là thiết bị phát thông tin LRIT lắp đặt trên tàu, được phát triển và ứng dụng chủ yếu dựa trên hệ thống Vệ tinh hàng hải quốc tế (Inmarsat). Thông tin LRIT được tự động phát đi bao gồm các thành phần dữ liệu sau: Thông tin nhận dạng tàu (tên tàu và số IMO), vị trí của tàu (vĩ độ và kinh độ), ngày và thời gian tại vị trí tàu phát thông tin.vCác thông tin của mỗi tàu sẽ được lưu trữ và xử lý dữ liệu tại trung tâm LRIT, các thông tin này cũng sẽ được chia sẽ với tất cả các trung tâm LRIT đặt tại mỗi quốc gia. Từ các dữ liệu này, chủ tàu (sau khi đã đăng ký với trung tâm dữ liệu tại quốc gia mang cờ) và trung tâm dữ liệu LRIT tại mỗi quốc gia đều có thể biết được vị trí chính xác của 1 tàu tại thời điểm nhất định trong ngày...
Đối với phần bờ bao gồm hệ thống thông tin liên lạc để đảm bảo các thông tin LRIT được thu thập, lưu trữ và định tuyến chắc chắn, bảo mật và hệ thống dữ liệu nhằm thu nhận, lưu trữ và phân phối cũng như cung cấp thông tin LRIT thu được theo yêu cầu. Việc phân bổ, trao đổi dữ liệu của các Trung tâm dữ liệu tới các quốc gia thành viên sẽ thực hiện theo Kế hoạch phân bổ dữ liệu LRIT (viết tắt là DDP) của IMO.
Hiện nay, hệ thống LRIT đã và đang được Chính phủ Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý đội tàu quốc gia, TKCN trên biển, an ninh, quốc phòng, an toàn hàng hải, bảo vệ mội trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai…
Thông qua hệ thống LRIT, chủ tàu và các cơ quan quản lý có thể giám sát liên tục các đội tàu Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Các bản báo cáo LRIT được sử dụng với mục đích đầu tiên là giám sát các tàu quốc gia tại bất cứ nơi nào trên thế giới. LRIT có thể đóng góp vào việc giám sát các khu vực (có mật độ hoạt động cao, có những nguy hiểm đặc biệt, bảo vệ khỏi ô nhiễm môi trường...). Trung tâm Dữ liệu LRIT Việt Nam có thể theo dõi tất cả các tàu thâm nhập vào các khu vực địa lý được quy định trong DDP và trong phạm vi 1000 hải lý xung quanh bờ biển Việt Nam. Đối với các tàu nước ngoài, hệ thống LRIT sẽ giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam có thể theo dõi các tàu nước ngoài từ ngay khi họ thông báo ý định cập cảng Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống LRIT còn có chức năng nhận dạng và Theo dõi các tàu trong khu vực tìm kiếm và cứu nạn. Chức năng tìm kiếm cứu nạn sẽ cho phép các cơ quan chức năng yêu cầu một dịch vụ được gọi là SAR-Surpic (hình ảnh bề mặt biển) cung cấp thông tin về hiện trạng cục bộ (giới hạn trong đặc điểm và vị trí của tàu) trong một khu vực xác định (đường tròn hay hình chữ nhật). Nhờ vào thông tin này, có thể quản lý tốt hơn hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trên biển.
Vishipel cho hay, với những lợi ích của thiết bị LRIT mang lại, các tàu Việt Nam lắp đặt thiết bị này dù ở bất kỳ vùng biển nào trên thế giới đều được giám sát và theo dõi giúp cho hành trình được an toàn. Nếu một tàu nào đó gặp nạn, ngoài thông tin phát đi từ những thiết bị báo động trên tàu, Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn còn có thể kiểm tra vị trí của tàu bị nạn thông qua thiết bị LRIT và cũng thông qua hệ thống dữ liệu LRIT, Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn có thể biết chính xác tàu nào đang hành trình gần nhất với vị trí tàu bị nạn để huy động tham gia trợ giúp. Việc tìm cứu tại hiện trường như vậy mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc điều động đơn vị tìm kiếm cứu nạn từ bờ.