- Dân số tăng nhưng trường học không tăng đang là thách thức đối với các nhà quản lý trong việc "đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh". Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tình trạng quá tải trường học không chỉ báo động ở 4 quận nội thành mà dân cư ở một số Khu đô thị (KĐT) mới khi về ở mới "tả hỏa" vì không có trường công lập. Chính vì thiếu chỗ học nên áp lực ngày càng "đổ xô" và các trường điểm.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Hình minh hoạ Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nguồn ảnh: vieclam |
Tình trạng quá tải trường học không chỉ báo động ở 4 quận nội thành (Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và quận Hoàn Kiếm) mà dân cư ở một số Khu đô thị (KĐT) mới khi về ở mới "tả hỏa" vì không có trường công lập.
Năm 2005 anh chị Phương Hùng "tậu" được một căn hộ ở KĐT Linh Đàm khi tuổi còn trẻ. Cuộc sống thuận lợi nên ban đầu anh chị xác định cho con học trường quốc tế. Thế nhưng lạm phát ập đến cũng là lúc anh chị từ bỏ ý định cho con học trường quốc tế vì lý do kinh tế. Quyết định cho con học trường công nhưng trong KĐT đến nay vẫn chưa có trường tiểu học công lập nào.
"Cũng may, nhờ có quan hệ chị xin được cho con học trường công gần KĐT để tiện đưa đón" - chị Phương chia sẻ. Chứ như nhiều gia đình khác phải đưa con học rất xa...
“Đấy là nhà tôi có quan hệ nên xin được, chứ thú thực bây giờ kiếm được nơi để mua nhà đã khó, kiếm chỗ học yên tâm càng khó." |
Gia đình cô Nhiệm ở KĐT Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy hiện có cháu trai đang học lớp 3 tại một trường Tiểu học công lập gần nhà tâm sự: “Đấy là nhà tôi có quan hệ nên xin được, chứ thú thực bây giờ kiếm được nơi để mua nhà đã khó, kiếm chỗ học yên tâm càng khó." Chính vì điều này dẫn đến tình trạng, nhiều phụ huynh phải tá hỏa xoay chạy trường, lớp cho con.
Theo cô Nhiệm thì ở KĐT này, số trẻ vào được trường công lập chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đến giờ, khu vực KĐT Nam Trung Yên này có 2 trường tiểu học, 1 trường THCS nhưng chưa có trường mầm non. Tất cả gia đình có con nhỏ muốn tới lớp đều phải gửi tư, chi phí cực kì tốn kém. Khu này cũng có dự án xây trường mầm non nhưng bao lâu rồi nó vẫn nằm ngổn ngang đó, chưa thấy có động tĩnh gì”.
Chị Hương Lan mới chuyển nhà về khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Cậu con trai đang học mẫu giáo của chị - vừa chia tay các bạn ở trường mẫu giáo Hoa Hồng ở Vĩnh Hồ - Thái Thịnh ( Đống Đa, Hà Nội) lâm vào tình cảnh không biết sẽ học ở đâu vì khu đô thị này hiện chưa có trường. Đến cả hai cơ sở của Trường Mầm non Xuân Đỉnh B, chị đều nhận được câu trả lời: Các lớp mẫu giáo đang rất đông nên trường không nhận nữa.
Không vào được trường công lập, chị Lan tìm đến một trường mầm non dân lập có học phí khá cao (1,8 triệu đồng/tháng). Nhưng thực tế, trường này chỉ ở trong một căn hộ chung cư, trẻ không có đủ không gian vui chơi. Chị cũng chưa đủ niềm tin vào các giáo viên của trường này.
Chị Lan ngán ngẩm vì không nghĩ rằng, căn nhà giữa khu đô thị mới mà chị phải bỏ tiền tỉ ra lại không tìm đâu ra một trường mầm non công lập có thể có chỗ cho con chị theo học?
Áp lực "đổ" vào trường "điểm"?
Dù lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng "Sở không có khái niệm trường điểm". Tuy nhiên, những trường có uy tín thường được các mẹ thông tin cho nhau nên mấy năm gần đây thường quá tải hồ sơ, quá tải sĩ số học sinh trên lớp...
Bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay sĩ số/ lớp của trường không thấp hơn 45 học sinh/ lớp. Năm nào cũng rất vất vả trong việc thuyết phục phụ huynh "cho con học trường gần nhà" - thực chất là trường không còn sức chứa.
"Đây cũng đang là vấn đề gây áp lực lớn đối với những hiệu trưởng như chúng tôi"
|
Thực trạng trên đang khá phổ biến tại nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội, dù trong quy hoạch các khu đô thị đều có trường học. Nhưng theo báo cáo đầu năm 2010 của Thành ủy Hà Nội cho thấy, qua kiểm tra ở bảy khu đô thị mới trên địa bàn đã phát hiện hai khu “trắng” trường - đó là khu KĐT Cổ Nhuế -Xuân Đỉnh và KĐT mới Đặng Xá.
Ngoài ra, cũng tại thời điểm đầu năm 2010 KĐT mới Sài Đồng mới chỉ có một trường học...
Và theo tính của quận Cầu Giấy, với tốc độ tăng dân số 10%/ năm - đến 2010 toàn quận có 54.391 học sinh. Đất xây trường thiếu nghiêm trọng; trong đó đất xây trường mầm non thiếu 26,8 ha, sau là THPT thiếu 13,4 ha , tiểu học thiếu 0,7 ha , THCS tạm đủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, một số phường trong các quận nội thành chưa có hoặc thiếu trường Tiểu học, THCS công lập và 6 phường chưa có trường mầm non công lập.
Trong đó, quận Đống Đa có 4 phường (gồm Trung Liệt, Láng Thượng, Phương Mai, Ngã Tư Sở), quận Hai Bà Trưng có 2 phường (Thanh Nhàn, Lê Đại Hành).
Phường Điện Biên (quận Ba Đình) chưa có trường tiểu học, THCS công.
Nguyên nhân là do nhiều phường trong nội thành quỹ đất chật hẹp, dân số đông, rất khó tìm được quỹ đất và nhà để xây dựng trường học.
Ngoài ra, so với quy hoạch mạng lưới trường lớp năm 2003 thì dân số tăng cơ học quá nhanh, trong khi, việc di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để lấy đất xây dựng trường học chưa được giải quyết đồng bộ?
- Thu Lý - Nguyễn Hiền - Văn Chung