- Mặc dù nhận thức rằng ô nhiễm môi trường là vấn đề không có biên giới và đòi hỏi tất cả các quốc gia có sự hợp tác mới có thể giải quyết được, song sự phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN lại đang thiếu các ràng buộc pháp lý vững chắc.

Tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13) diễn ra chiều nay, 29/10, được quan tâm nhiều nhất chính là những vấn đề môi trường xuyên biên giới như khói mù tại Indonesia, hiện tượng nước sông Hồng dâng cao đột ngột ở Lào Cai vào đầu tháng 10 vừa qua do Trung Quốc xả lũ hay như việc ảnh hưởng của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong tới khu vực hạ nguồn…

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tại Hội nghị AMME, các Bộ trưởng đã khẳng định nhận thức rằng vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề không có biên giới, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có sự hợp tác với nhau.Tuy nhiên, việc kiểm soát các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới lại đang thiếu các cơ sở pháp lý vững chắc ở tầm khu vực hay quốc tế.

Chẳng hạn như vấn đề khói mù mà rộng hơn là ô nhiễm không khí do cháy rừng ở Indonesia thì cần sớm đưa ra thỏa thuận và cơ chế để sớm loại bỏ cháy rừng và ô nhiễm khói mù. Tuy nhiên, “hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý ở tầm khu vực hay quốc tế để kiểm soát tình trạng này”, ông Trần Hồng Hà nói.

Hay như gần đây, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Hiệp định khai thác và sử dụng nguồn nước của các dòng sông xuyên quốc gia. Tuy nhiên, Lào, Campuchia và nhiều quốc gia khác của ASEAN chưa tham gia Hiệp định này.

“Đây là một vấn đề đang đặt ra với các nước ASEAN. Cần từng bước có chính sách, quy định pháp lý cho thành viên ASEAN tham gia Hiệp định quốc tế về vấn đề về sử dụng nguồn nước chung”, ông Hà khẳng định.

Về vấn đề ô nhiễm không khí do hóa chất ở vùng biên giới ông Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đang có cơ chế song phương trao đổi, chia sẻ, tìm cách giải quyết.Chúng ta đã đặt một số trạm quan trắc nước ở các dòng sông có chung biên giới. Đồng thời từng bước đầu tư trạm đo không khí, đặc biệt là mưa axit.

Với vấn đề xả lũ đập thủy điện, ông Trần Hồng Hà khẳng định, xả lũ mà không thông báo trước là vấn đề rất nghiêm trọng. Hiện tại, Việt Nam cũng đã xúc tiến trao đổi song phương để xây dựng cơ chế cung cấp thông tin để ứng phó với hiện tượng xả lũ mà không biết trước.

Về vấn đề đập thủy điện trên sông Mekong, Thứ trưởng Hà cho biết, hiện nay, Việt nam đang tiến hành nhiều công việc để đánh giá đầy đủ tác động của việc xây đập thủy điện tới khu vực hạ nguồn sông Mekong.

“Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với Ủy hội sông Mekong và cơ quan tư vấn Đan Mạch để nghiên cứu tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành và công bố”.

Kết quả của hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN 13

- Thông qua Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2015 tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21. Dự kiến sẽ trình lên Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 vào tháng 11 tới đây.

- Các nước ASEAN thống nhất với dự thảo Tuyên bố ASEAN về chương trình nghị sự bền vững muôn năm và Biến đổi khí hậu sau năm 2015.

- Phê chuẩn Khung tiêu chí giám sát thực hiện quản lý tổng hợp về quản lý tài nguyên nước.

- Các quốc gia cũng thông qua việc lựa chọn kỳ quan thiên nhiên Núi Timpoong Hibok-Hibok (Philippines) và Vườn quốc gia Way Kambas là Vườn Di sản ASEAN. Việt Nam sẽ đề cử Vườn quốc gia Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN mới và sẽ trình các tài liệu đề cử cần thiết theo các tiêu chí và hướng dẫn của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) về Vườn di sản ASEAN.

Lê Văn