Đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy một thiếu niên, đang mặc đồng phục của một Geylang Methodist School (một ngôi trường cấp 2 tại Singapore), đang liên tục mắng chửi một người phụ nữ, sau đó được xác định là mẹ của thiếu niên.
Nội dung đoạn hội thoại giữa hai người cho thấy thiếu niên đã xin tiền mẹ của mình, nhưng người mẹ đã đưa cho cậu bé số tiền quá ít. Khi người mẹ giải thích cho con trai rằng bà không thể đưa thêm tiền, thiếu niên này đã liên tục mắng chửi mẹ của mình, thậm chí còn dùng tay tát vào mặt của người mẹ nhiều lần khi bà đang ngồi ở dưới sàn.
Cuối đoạn clip, nhiều người đã có thể nghe thấy người mẹ phải thốt lên: “Vậy đây là cách con đối xử với mẹ của mình hay sao?”.
Đoạn video sau đó được chính thiếu niên đăng tải lên TikTok nhưng đã bị gỡ bỏ do vi phạm chính sách của ứng dụng này. Tuy nhiên, đoạn video sau đó đã được nhiều người khác chia sẻ lại trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook và Twitter, thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận của cư dân mạng, mà đa phần trong số đó đều bày tỏ sự phẫn nộ với hành động của thiếu niên trong đoạn clip.
“Đánh mẹ của mình vì bất cứ lý do gì đều là hành động không thể chấp nhận được, thiếu niên này xứng đáng phải chịu sự trừng trị”, một cư dân mạng bình luận.
“Thật không thể chấp nhận được. Tôi thấy thương cho người mẹ khi phải thốt lên đầy uất ức vì hành động của con trai mình”, một người dùng Facebook khác chia sẻ.
“Hành động cam chịu của người mẹ dường như cho thấy bà đã thường xuyên bị con trai của mình đánh đập như vậy. Thật khó có thể tin được khi cậu bé này thì mới đang học cấp hai”, một cư dân mạng khác nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng một phần lỗi trong sự việc cũng thuộc về người mẹ, khi người này đã quá nuông chiều con trai mình khiến cậu bé có hành động quá đáng đến như vậy.
“Nếu người mẹ có biện pháp giáo dục con mình tốt hơn, chắc hẳn người con trai sẽ không bao giờ có hành động ngỗ nghịch đến như vậy. Nhiều bậc phụ huynh thường nuông chiều con mình quá mức khiến chúng trở nên hư hỏng”, một người dùng Facebook nhận xét.
Carol Balhetchet, một bác sĩ tâm lý học, sau khi xem đoạn clip cho rằng dường như cậu bé đã quá quen thuộc với hành vi xấu của mình và đối với cậu bé đây là một điều bình thường.
“Tôi không chắc tại sao người phụ nữ lại để cho cậu bé đánh mình, nhưng nếu bà ấy tiếp tục cho phép điều đó xảy ra, điều này sẽ khiến cho tính cách cậu bé càng trở nên xấu đi khi trưởng thành”, bác sĩ Balhetchet nhận xét và cho biết thêm một số bậc phụ huynh không biết cách thiết lập ranh giới và nói từ chối với con cái của họ, khi cho rằng đó là một cách để thể hiện tình yêu thương, nhưng thực ra là đang gây hại cho con của mình.
“Các bậc phụ huynh phải biết cách từ chối con mình khi trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 5. Họ cần phải biết cách làm cha mẹ một cách cứng rắn, nhưng không tàn nhẫn”, bác sĩ Balhetchet cho biết.
Cảnh sát vào cuộc điều tra và lời xin lỗi từ thiếu niên trong đoạn clip
Nhiều người dùng Facebook tại Singapore sau đó đã thông báo sự việc với cơ quan chức năng và cảnh sát tại Singapore cho biết sẽ vào cuộc để tiến hành điều tra vụ việc. Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore cho biết họ đang đánh giá xem gia đình trong vụ việc có cần đến sự hỗ trợ nào hay không.
Sau khi sự việc gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng, thiếu niên trong đoạn clip đã đăng tải một thông điệp trên tài khoản Instagram của mình, để đưa ra lời xin lỗi và giải thích về sự việc.
Theo thiếu niên này thì sự việc trong đoạn clip xảy ra khi mình và mẹ đã tranh cãi với nhau về việc người mẹ đã lấy 100 SGD (khoảng 1,7 triệu đồng) tiền tiêu vặt của cậu bé để cho một người anh trai khác, khiến cậu bé tức giận. Thiếu niên này cho biết tình cảnh hiện tại của gia đình là rất tồi tệ, khi cha mẹ của cậu bé xem nhau như người xa lạ và không hề nói chuyện với nhau.
Thiếu niên này cho biết sau đó đã nhận ra lỗi của mình và hiện tại cậu và mẹ đã nói chuyện bình thường với nhau.
Dù vậy, lời giải thích của thiếu niên này vẫn chưa đủ để thuyết phục cư dân mạng tại Singapore, những người đang rất phẫn nộ với hành động của cậu bé. Nhiều người vẫn mong muốn thiếu niên này phải chịu một hình phạt thích đáng.
Đại diện của nhà trường nơi cậu bé đang theo học cho biết hiện họ đã liên hệ với gia đình và cha mẹ của thiếu niên và sẽ hợp tác với cảnh sát để giải quyết vấn đề.
“Cậu bé đã xin lỗi vì hành vi của mình và nhà trường đang làm việc với gia đình, phụ huynh cũng như cảnh sát để giải quyết vấn đề”, đại diện của nhà trường cho biết.
(Theo Dân Trí, TNP/Storm)
Giải mã sức mạnh của 'gã khổng lồ' đứng sau TikTok
Được thành lập từ năm 2012 nhưng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và vươn tầm thế giới với những ứng dụng đình đám.