Theo xu hướng mua sắm hiện đại hiện nay, chị Hoàng thị Loan ở phường Hàng Bông, Hà Nội cũng đã dành thời gian vào các sàn thương mại điện tử, mua sắm qua mạng xã hội nhằm tiết kiệm thời gian đi lại.
Tuy nhiên, thực tế sản phẩm khi nhận được lại không thực sự giống như mong đợi:
"Hầu như mua hàng trên mạng 10 lần thì 8 lần trả lại. Trong ngõ này cũng vậy. 3-4 người mua hàng trên mạng đều phải trả lại. Hàng không đảm bảo, chất lượng kém, lúc thì không đúng màu, đúng size, lung tung".
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng may mắn như chị Loan là có thể trả lại hàng nếu không ưng về chất lượng.
Trên các diễn đàn xã hội, nhiều người chia sẻ những câu chuyện “dở khóc dở cười” vì những sản phẩm nhận được khác xa so với thực tế.
Đơn cử như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm sát ngày hết hạn, quần áo may lỗi, giày cọc cạch và nhiều trong số đó là những sản phẩm bị làm giả, làm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặc dù, bị như vậy, nhưng rất ít người tiêu dùng “dám“ lên tiếng, thực hiện khiếu nại do thủ tục phức tạp hoặc thực hiện đổi, trả hàng do chi phí vận chuyển cao, đơn cử như chị Hồng Nhung, ở quận Thanh Xuân Hà Nội:
"Bình thường mình đặt đã phải đến 1 tháng hoặc 5-6 tuần rồi mới về đến Việt Nam. Khi bị những hiện tượng như vậy phải bồi hoàn về và để trả lại lên đến 2-3 tháng thì lúc đấy mình rất là nản và không muốn đặt tiếp".
Luật sư Phạm Thành Tài- Giám đốc công ty Luật Phạm Danh phân tích, sở dĩ người tiêu dùng trong nước hiện nay đang gặp rất nhiều rủi ro khi mua hàng hóa nước ngoài thông qua phương thức thương mại điện tử là do các quy định của Nghị định 52 năm 2013 mới chỉ áp dụng cho các đối tượng là các thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam, hoặc các thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam.
Trong khi đó, hiện nay, đa phần, các tổ chức, cá nhân nước ngoài bán hàng cho người tiêu dùng Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử hoặc góp vốn vào các sàn thương mại điện tử không có chi nhánh, đại diện tại Việt Nam. Bởi vậy những đối tượng này không chịu sự quản lý của pháp luật hiện hành.
Những lỗ hổng trong quy định pháp luật hiện hành không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử trong nước và các hoạt động thương mại truyền thống.
Ông Mai Xuân Đạt- Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Thịnh Vượng (SEONgon) dẫn chứng:
"Hiện nay các quy định có yếu tố nước ngoài chưa đầy đủ nên tạo ra sự bất bình đẳng. Các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào không phải chịu các chế tài, các quy định giống như doanh nghiệp trong nước, khiến họ có lợi về vấn đề chi phí và các vấn đề liên quan. Thị trường đang mất cân bằng và các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu thiệt thòi".
Nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong việc bảo vệ của người tiêu dùng khi xảy ra tranh chấp đối với việc mua hàng hóa có yếu tố nước ngoài, Bộ Công thương đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung thêm một số quy định của Nghị định số 52 năm 2013 theo hướng quản lý chặt hơn các hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương, cho biết:
"Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ đưa ra những quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của những thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử qua biên giới cho người tiêu dùng Việt Nam, ràng buộc nghĩa vụ của họ trong việc cung cấp thông tin trong việc giải quyết tranh chấp đối với người tiêu dùng.
Đặc biệt, quy định thêm trách nhiệm của chủ sàn TMĐT Việt Nam trong việc đứng ra thay mặt cho người bán nước ngoài tiếp nhận khiếu nại, làm trung gian để giải quyết những vấn đề phát sinh đối với người tiêu dùng Việt Nam".
Luật sư Phạm Thành Tài cho rằng, Dự thảo Nghị định 52 sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều quy định mới.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này vẫn chưa thực hiện một cách đồng bộ với các quy định về xử phạt chủ sàn thương mại điện tử trong những trường hợp có phát sinh hành vi buôn bán hàng giả hoặc là hàng không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Luật sư Phạm Thành Tài nhấn mạnh:
"Mặc dù đã khắc phục được phần nào những bất cập trong các hoạt động thương mại điện tử hiện nay. Tuy nhiên thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 cũng cần phải đồng bộ với việc sửa đổi các quy định xử phạt khác để làm gia tăng trách nhiệm của nhà cung cấp sản phẩm, thương mại điện tử thì từ đó mới có thể hạn chế được các thực trạng hiện có đối với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa".
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những điều chỉnh về chính sách, các chủ sàn thương mại điện tử, những người bán hàng trong và ngoài nước trên các sàn thương mại điện tử cũng cần phải có trách nhiệm đối với chất lượng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của mình.
Có như vậy, thị trường thương mại điện tử mới có thể phát triển cân bằng và bền vững trong tương lai,
Hiện nay, giá trị hàng hóa nước ngoài tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, việc thu thuế từ những giao dịch này lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ do những bất cập của những quy định pháp luật hiện hành.
Bởi vậy, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không đẩy nhanh việc điều chỉnh, bổ sung thêm các quy định mới để quản lý nhóm đối tượng này, thì người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước sẽ gặp không ít thiệt thòi.
Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề "Giao dịch thương mại điện tử đừng để “biến” thành sân của doanh nghiệp nước ngoài":
Sự phát triển của nền kinh tế số đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp nước ngoài dù không cần có trụ sở, hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn có thể thực hiện hoạt động mua bán với người tiêu dùng Việt Nam, tham gia hoạt động thương mại trên các sàn thương mại điện tử hoặc đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (mua bán, sáp nhập) mà không cần thành lập tổ chức kinh tế.
Không thể phủ nhận, những lợi ích mang lại của hình thái thương mại điện tử đối với hoạt động kinh doanh thương mại và tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trung bình của Việt Nam trong 4 năm qua luôn ở mức trên 30%, dự kiến năm 2020, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD, tăng hơn gấp 5,5 lần so với thời điểm trước khi ban hành Nghị định 52 thì những quy định hiện tại của pháp luật để quản lý lĩnh vực này đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của thực tế.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động thương mại điện tử về chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam.
Các hàng hóa nước ngoài bán trên sàn thương mại điện tử phải thực hiện theo đúng quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Các chủ sàn thương mại điện tử Việt Nam cần có trách nhiệm đứng ra thay mặt cho người bán nước ngoài để tiếp nhận khiếu nại và làm trung gian để giải quyết những vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định buộc các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện kinh doanh thương mại điện tử phải có đối tác tại Việt Nam, hoặc có chi nhánh tại Việt Nam để có thể định danh, quản lý và giám sát doanh nghiệp, và yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện nghĩ vụ đóng thuế giống như các doanh nghiệp trong nước, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cũng cần khống chế mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử nhằm tránh tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài có thể kiểm soát, chi phối thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng trong nước.
Điều này cũng hạn chế việc tăng tỷ lệ hàng nhập khẩu, giảm tỷ lệ hàng nội địa, dẫn đến triệt tiêu ngành sản xuất tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, không cho phép một số nhà đầu tư nước ngoài giữ tỷ lệ góp vốn cao đồng thời tại nhiều sàn thương mại điện tử, ngăn chặn những rủi ro đối với nghành sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Song song với đó, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan, cũng cần bổ sung thêm những chế tài xử phạt nặng đối với những hành vi vi phạm.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần từ trang bị kiến thức để có thể mua sắm trực tuyến một cách an toàn.
Trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi cần nhanh chóng có phản hồi, khiếu nại tới các sàn thương mại điện tử, nếu không được doanh nghiệp thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, gửi khiếu nại tới các cơ quan chức năng.
Giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong 5 năm tới. Để đảm bảo cho thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững, minh bạch và công bằng, hạn chế những rủi ro phát sinh; thì cần sự chung tay của các cơ quan quan quản lý nhà nước, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, các chủ sàn thương mại điện tử và hành vi tiêu dùng thông minh của người dân.
Và bắt đầu bằng việc hoàn thiện, cập nhật hành lang pháp lý để điều chỉnh lĩnh vực này.
Theo VOV Giao thông