- "Liệu khi ta nhìn về phía công chúng, những gì tinh túy, tiến bộ luôn thuộc về số ít và số đông thì chịu sự tác động của xu hướng có phải là vấn đề muôn thưở?"

Đừng ngạc nhiên: Thơ vẫn bán chạy

Nga là một trong những quốc gia nghiên cứu khá sớm về phong trào toàn cầu hóa khi làn sóng này bắt đầu gây ảnh hưởng và lan rộng trên thế giới. Ấn tượng từ tham luận của nhà thơ Nikolai Vladimirovich Preiaxlov (Nga) - viện sĩ Viện Hàn lâm Petrov và những quan điểm rõ ràng, thậm chí hết sức triệt để của ông với tác động toàn cầu này, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với nhà văn hóa Nga đương đại. Cuộc trao đổi có sự giúp đỡ của dịch giả Thúy Toàn - người dịch bài thơ "Tôi yêu em" của A.Puskin.

- Qua tham luận của ông trong Liên hoan thơ Châu Á tại VN, chúng tôi có thể nắm bắt được tinh thần chung của ông về thơ ca cũng như ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Vậy ông có thể khẳng định lại, ông có phải là người phản đối phong trào này?


Tất nhiên là tôi phản đối.

Đại biểu Nga tại Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương (2012)

- Đứng trên khía cạnh văn hóa, có vẻ như toàn cầu hóa đã xóa nhòa ranh giới về văn hóa cũng như cảm nhận con người về sự đặc biệt của dân tộc cũng như cá nhân; nhưng những người bảo vệ phong trào này vẫn tin rằng toàn cầu hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân.


Không giống như nhiều người cho rằng kinh tế và văn hóa là hai khía cạch tách biệt, tôi cho rằng ở đây chúng đã chạm nhau chặt lắm. Chính những người điều hành thế giới hiện nay muốn xóa nhòa mọi ranh giới. Mục đích của họ là để điều hành cho dễ.

Điển hình là tiêu dùng. Mọi người ăn tiêu như nhau, cùng uống Coca, ăn thức ăn nhanh, cùng thèm khát một kiểu tiêu thụ như nhau. Mọi tiêu chuẩn, mọi máy móc đều giống nhau. Như thế không được, là vi phạm cả văn hóa và kinh tế! Trong sự phát triển kinh tế vẫn có những đặc tính dân tộc. Tác phong lao động của con người theo kiểu toàn cầu hóa sẽ là một thứ robot giống nhau và rập khuôn. Mỗi dân tộc có một đặc tính riêng, kể cả trong lao động, trong thao tác công việc, trong phát triển kinh tế của mình.

Đừng ngụy biện. Kinh tế và văn hóa rất gắn liền với nhau chứ không hề tách biệt, không thể tách biệt. Bởi sự tiêu dùng cũng là kinh tế và cũng là văn hóa. Vì thế tôi nghĩ rằng, khía cạnh phản diện của toàn cầu hóa nhiều hơn khía cạnh chính diện.

Vậy với những đất nước thuộc thế giới thứ 3, hay những khu vực nghèo đói ở Châu Phi thì toàn cầu hóa có quan trọng và cần thiết hay không?

Những người nghèo ở Châu Phi tiếp cận với kinh tế không phải theo hướng toàn cầu hóa, mà là sự tiếp cận lương thực, thực phẩm để cứu đói. Người ta cần gì? Cần ăn, cần mặc. Khi những nhu cầu này đã được đáp ứng đầy đủ, thì tiếp đến phải là yếu tố con người. Người ta cần một sự khác người, chứ không thể ai cũng giống nhau cả. Giống nhau cả sẽ trở thành vô nghĩa.

Khi no đủ, người ta sẽ bắt đầu nghĩ đến dân tộc, nghĩ đến cá thể, nghĩ đến cái riêng. Toàn cầu hóa là một thứ ép buộc, biến mọi dân tộc trở thành giống nhau, mọi tiêu chuẩn cũng giống nhau, một niềm yêu thích với vật dụng giống nhau. Mặt tiêu cực thể hiện rõ hơn.

Con người đòi hỏi cá tính riêng cho mỗi cá thể, chưa nói là cả dân tộc.

Dịch giả Thúy Toàn (Việt Nam) và nhà thơ/nhà văn hóa Nga Nikolai Vladimirovich Preiaxlov

- Khi đặt ra vấn đề toàn cầu hóa, ông có nói về trách nhiệm của chính phủ. Nhưng sau khi toàn cầu hóa diễn ra ở một số nước trên thế giới, thì người dân đã bị cuốn theo xu hướng này. Văn hóa nghe nhìn kiểu  đại chúng từ Mỹ và phương Tây hiện nay đang chiếm đa số. Trong bài tham luận của mình, ông có kết rằng "thơ ca là điều vĩ đại nhất", nhưng rõ ràng thơ ca đang chiếm một tỉ lệ rất ít ỏi còn lại trong xu hướng nghe nhìn nói chung, và đó là sự lựa chọn của người thưởng thức. Liệu khi ta nhìn về phía công chúng, câu chuyện về "những gì tinh túy, tiến bộ luôn thuộc về số ít và số đông thì chịu sự tác động của xu hướng" có phải là vấn đề muôn thưở?


Tôi không phải là nhà tiên tri, nên không thể đoán được thơ ca sẽ đi đến đâu, và tác động của nó như thế nào. Nhưng theo tôi nghĩ, thơ ca vẫn có thể là một cái gì đấy cứu vãn được con người.

Thơ ca xuất phát từ những suy nghĩ của những nhà tiên tri ngày xưa, suy nghĩ về cuộc đời, suy nghĩ về ý nghĩa của con người trên Trái Đất. Suy nghĩ về những điều như là: bản chất chúng ta sống để làm gì? Từ đó nó sinh ra những câu châm ngôn, những câu chuyện truyền thuyết rất ngắn được truyền đi trong dân gian - đó chính là những bài thơ ngắn. Những câu như thế là của những nhà thơ, nhà trí thức ngày xưa.

Rõ ràng thơ lúc đó mang một sứ mạng khác, tổng kết những tinh túy, kinh nghiệm của con người, tổng kết suy nghĩ của con người về "chức năng con người" trên Trái Đất này. Chúng ta từ đâu ra? chúng ta sẽ làm gì? chúng ta phải làm gì?

Từ đó thơ ca dần phát triển  và được người ta chú ý đến. Ngoài ý nghĩa trên, nó còn có tính hình tượng và đẹp nữa, mang những nghĩa ấn dụ, bóng gió để nói lên suy nghĩ về những vấn đề cốt lõi của cuộc đời.

Thơ ca sau này, do ảnh hưởng của mốt phương Tây, chú trọng đến tính trừu tượng, những cái mơ hồ, đẹp, nhưng không có nghĩa gì cả. Nó đánh mất giá trị ban đầu của thơ ca. Bây giờ đọc những bài thơ mới của lớp nhà thơ mới, có khi rất cầu kì, có vẻ như trí tuệ, có vẻ tìm tòi, nhưng đã mang lại cho con người cái gì?

Dần dần dẫn đến một hệ quả là không phải ai cũng thích kiểu như vậy. Đọc một bài thơ mà không hiểu cái gì cả, lại chưa chắc đã hay nữa, vậy thì người ta lại tìm đến cái đơn giản, cái cụ thể cho cuộc sống của họ. Một ngày nào đó, mọi người lại có nhu cầu, tìm kiếm một điều gì đó cần thiết để vươn lên, vượt lên, thì có một câu trả lời đang chờ người ta ở trong bài thơ. Đấy là chức năng thơ. Cái đó vẫn tồn tại. Có thể lúc này không được trân trọng lắm, không được yêu quý lắm, nhưng luôn có những người tỉnh táo. Và cứ thế, sẽ được nhân lên.

Nếu chúng ta có những định hướng từ lãnh đạo, và giáo dục, dần dần những điều chân chính sẽ lại đi vào một quỹ đạo cần thiết. Nhìn vào sự phát triển toàn cầu thì mọi thứ cứ đi theo cách của riêng nó như vậy thôi, nhưng bi quan đến mức không tin và sự phục hồi cũng là không nên.

Xin cảm ơn nhà thơ và dịch giả!

  • Hồ Hương Giang (thực hiện)
    Ảnh: Angellittlefire