Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, tập thơ Bài hát về cố hương của ông khi xuất bản tại Colombia có tên Canción de Mi Aldea Natal. "Đây là niềm hạnh phúc của tôi khi nhận được thông báo vào chiều 10/3", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Bài hát về cố hương là tác phẩm thể hiện tình cảm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với quê hương của mình. Làng Chùa thuộc Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) - là nơi Nguyễn Quang Thiều sinh ra, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông. Bài hát về cố hương thể hiện tình cảm đong đầy của nhà thơ với lời đề từ "Kính dâng làng Chùa của tôi".

{keywords}
Tập thơ của Nguyễn Quang Thiều được phát hành tại Colombia.

Bài hát về cố hương - bài thơ Nguyễn Quang Thiều luôn đọc mở đầu bằng tiếng Việt hay tiếng Anh ở các cuộc liên hoan thơ trong nước và quốc tế, vì với ông Bài hát về cố hương chính là bản tuyên ngôn của ông về làng mình.

Trong những cuộc giao lưu với bạn đọc, Nguyễn Quang Thiều từng bộc bạch: "Với văn xuôi, tôi chỉ là người kể chuyện. Nhưng thơ ca lại là thế giới tự do của mình. Ở đó tôi được tự do làm con giun bò qua khu mồ của dòng họ, làm con chim tung bay trên bầu trời riêng...".

Bài hát về cố hương từng được in trong tập Sự mất ngủ của lửa (tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993). Bài thơ cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha. Bài hát về cố hương khi được đăng trên tạp chí Văn học Nga, từng được bình chọn là tác phẩm dịch thuật hay nhất năm 2011 của bạn đọc yêu thơ ca tại Nga.

Bài thơ cũng được in trong tập Những người đàn bà gánh nước sông phát hành tại Mỹ và được giải thưởng chung kết của Hội dịch giả văn học quốc gia Mỹ.

{keywords}
Tập thơ của Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam. Trong các tác phẩm văn học ông đã viết, ông luôn say đắm với mảnh đất làng Chùa của mình. Và ông cũng còn may mắn, khi làng Chùa của ông vẫn đẹp, vẫn là một làng quê còn được bao người dân yêu thơ, làm thơ gìn giữ; không phải khắc khoải, đau xót tìm cách giữ làng trước làn sóng đô thị hóa, trước những cơn bão bất động sản tràn tới.

Ông, như nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi khác, đã nói hộ người bình thường lòng yêu mảnh đất cố hương, cái tâm tình khiến người dù đi xa đâu vẫn không khỏi một lúc nào đó chạnh lòng nhớ về nơi mình đã từng sinh ra, lớn lên. 

Bài hát về cố hương

Kính dâng làng Chùa của tôi

Tôi hát bài hát về cố hương tôi

Khi tất cả đã ngủ say

Dưới những vì sao ướt đẫm

Những ngọn gió hoang mê dại tìm về

***

Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà

Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm

Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất

Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc

Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống

Góc vườn khuya cỏ thức trắng một mình

***

Tôi hát bài hát về cố hương tôi

Trong ánh sáng đèn dầu

Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại

Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn

Thuở tôi vừa sinh ra

Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi

Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc

***

Tôi hát bài hát về cố hương tôi

Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó

Nó không tiêu tan

Nó thành con giun đất

Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao

Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ

Bò qua bãi tha ma người làng chết đói

Đất đùn lên máu chảy dòng dòng

***

Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi

Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm

Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó

Kiếp này tôi là người

Kiếp sau phải là vật

Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ

Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi.

 

 Tình Lê

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ'

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ'

Lần đầu tiên triển lãm các tác phẩm hội hoạ của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không cảm thấy áp lực bởi ông bảo: "Tôi không phải là họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị".