Trong Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ tiết kiệm của người Việt Nam trong những năm 90 đã tăng trưởng khá mạnh, đến giai đoạn năm 2005-2006 thì tăng khoảng 29% theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, từ những năm gần đây (năm 2016, 2017 trở đi), tỷ lệ này đã có xu hướng giảm và đến năm 2019 thì chỉ còn khoảng 25%.
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam, tiết kiệm là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, tuy nhiên bất lợi mà người Việt gặp phải trước đây là không đầu tư sinh lời tốt.
Ở xu hướng ngược lại, nhận định về giới trẻ hiện nay, ông Đặng Trần Phục cho rằng “họ không tiết kiệm mà cũng không đầu tư”.
“Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ dù đã lập gia đình nhưng trong tài khoản không có tiền ngược lại nợ tín dụng rất nhiều”, ông Phục chia sẻ.
Giới trẻ Việt hiện nay chuộng mua trước trả sau. Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ VCBF, cũng cho rằng giới trẻ trong những năm qua không những không tiết kiệm mà còn đi vay tiêu dùng.
Việc giới trẻ còn thờ ơ với việc tiết kiệm và đầu tư, xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19, khiến việc xây dựng quỹ quản lý tài chính cá nhân hay quỹ dự phòng tài chính trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và sẽ được mọi người quan tâm sau đại dịch.
Các chuyên gia cho biết, quản lý tài chính cá nhân ở các nước phát triển đã được đưa vào chương trình phổ thông và ngày càng được chú trọng, người dân được trang bị tốt hơn so với những nước đang phát triển như Việt Nam.
“Ở các nước phát triển trên thế giới, người dân thường trích một phần lương hàng tháng vào các quỹ như quỹ dự phòng, quỹ hưu trí, do đó các đơn vị này rất phổ biến và phát triển. Khi Covid-19 xảy ra làm tình hình kinh tế trở nên khó khăn, người dân có thể sử dụng tiền ở các quỹ này để chi tiêu cho gia đình”, ông Đặng Trần Phục chia sẻ.
Nhìn rộng ra, không chỉ giới trẻ mà các hộ gia đình người Việt nói chung cũng tăng cường vay để tiêu.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 5, Ngân hàng HSBC cho biết, tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng hộ gia đình đã tăng từ 28% năm 2013 lên tới 46% trong năm 2020, trong khi trước đó, tỷ lệ dư nợ lớn nhất luôn thuộc về nhóm công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn. Tỷ lệ dư nợ hộ gia đình so với GDP lên đến khoảng 61%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng so với GDP ổn định ở mức khoảng trên dưới 68% trong cả giai đoạn 2010 - 2020.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: "Xã hội Việt Nam có rất nhiều người chưa giàu nhưng đã có tâm lý hưởng thụ. Trong khi thu nhập đầu người cực thấp, sản xuất không đủ tiêu dùng thì nhiều người đi vay, trả lãi để mua ô tô, mà cuối cùng chỉ để... khoe hàng xóm. Nhiều gia đình vỡ nợ chỉ vì sĩ diện, đáng tiếc đó lại là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, không chỉ giới hạn ở hộ gia đình".
Theo ông Trinh, việc vay tiêu dùng có thể giúp cho GDP tăng trưởng, tuy nhiên, điều này kéo theo nguồn lực ngày càng yếu đi và rủi ro lạm phát, nợ xấu không thể không tính đến.
(Theo Đất Việt)
Nở rộ thủ đoạn lừa đảo cho vay vốn nhanh với lãi suất 0,5%/tháng
Trong bối cảnh người dân ngày càng túng quẫn vì giãn cách xã hội kéo dài, tình trạng lừa cho vay tiêu dùng đang nở rộ với thủ đoạn chèo kéo người dân vay vốn với lãi suất thấp chỉ 0,5-0,7%/tháng.