- Trước hiện tượng vòng luẩn quẩn của những tấm giấy khen, có một điều đáng tiếc mà nhiều giáo viên, phụ huynh chưa để tâm chú ý.
Vòng luẩn quẩn của những tấm “giấy khen”
Mỗi khi hè đến, năm học kết thúc, các trang báo và mạng xã hội lại sôi nổi chuyện khen thưởng học sinh.Như một thói quen mới của thời đại thông tin, nhiều bố mẹ háo hức tải lên mạng ảnh chụp những tờ giấy khen con vừa nhận được ở trường.
Trong cơn bão của “chủ nghĩa thành tích” đang hoành hành, những tờ giấy khen không phải là thứ hiếm hoi nữa.Có khi gần như cả lớp được nhận giấy khen vì cả lớp là “học sinh giỏi”, “học sinh tiên tiến”.
Việc khen thưởng học sinh nên chú ý khuyến khích “động cơ bên trong” |
Khi bị đẩy vào cuộc đua đương nhiên học sinh sẽ phân chia ra thành “đội thắng” và “đội thua”. “Đội thắng” được hiểu là nhóm học sinh có thành tích học tập tốt, được thầy cô, nhà trường khen thưởng, bố mẹ tự hào. Những học sinh sẽ có cảm giác “ưu việt”, “tự hào” về bản thân trái lại “đội thua” nơi bao gồm những học sinh có điểm số trung bình sẽ cảm thấy mình kém cỏi và dần dần cảm thấy tự tin, thiếu tự tin.
Trong bầu không khí thắng-thua thường trực ấy, cuộc đua “giành giật” giấy khen đã lôi kéo cả phụ huynh và giáo viên vào cuộc.
Giáo viên thì cố gắng để làm sao hoàn thành chỉ tiêu lớp mình có bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, bao nhiêu phần trăm học sinh tiên tiến, phụ huynh thì muốn con có giấy khen, danh hiệu này kia để “bằng bạn bằng bè”.
Nhiều cơ quan, tổ chức, khu phố, làng xã do thiếu sự cân nhắc đầy đủ đã biến hoạt động “khuyến học” của mình thành hoạt động “khuyến khích giành giấy khen” (quy ước: chỉ khen thưởng những học sinh nào nhận được giấy khen).
“Tấm giấy khen” đẩy cả nhà trường, phụ huynh, học sinh vào cuộc chạy đua không mục đích, mệt mỏi và bất tận.
Muốn khen học sinh đừng chỉ khen dựa vào điểm số
“Khen thưởng” và “trách phạt” là nguyên lý cơ bản của giáo dục.
Tuy nhiên, việc khen thưởng không dựa trên mục tiêu giáo dục hướng tới sự hình thành con người có nhân cách, tâm hồn phong phú sẽ đem lại những hệ quả xấu.
Khen thưởng chỉ là một cách tạo ra “động cơ ngoài” thúc đẩy học sinh học tập trong khi thứ làm cho con người liên tục suy nghĩ, sáng tạo, hành động hướng tới những điều tốt đẹp lại là “động cơ trong”.
“Động cơ trong” ấy là lòng tò mò khám phá thế giới, tìm kiếm chân lý, là sự thôi thúc nội tâm muốn biểu đạt, thể hiện bản thân, là cảm quan mạnh mẽ về “sứ mệnh”, về sự tồn tại của bản thân trong thế giới.
Nếu giáo dục chỉ chăm chú vào việc tạo ra “động cơ ngoài” thì đến một lúc nào đó khi việc khen thưởng không còn hoặc sự khen thưởng đó không đủ mạnh để kích thích, sự suy nghĩ, sáng tạo và hành động ở học sinh sẽ dừng lại hoặc tạo ra tác dụng trái ngược.
Nhìn vào cách thức khen thưởng học sinh hiện nay, có thể thấy việc khen thưởng chủ yếu dựa trên điểm số học tập (thu được qua các kì kiểm tra, kì thi) và thành tích trong các cuộc thi (đặc biệt là thi học sinh giỏi các cấp).
Tuy nhiên, ngay cả ở những nền giáo dục tiên tiến nhất hiện nay, khoảng cách giữa những gì học được trong chương trình học ở trường và những gì đời sống thực tiễn đòi hỏi vẫn rất lớn.
Vì thế, rất khó để khẳng định “thành thích học tập”trùng khớp với năng lực của cá nhân trong đời sống thực.
Đối với những nền giáo dục nặng về khoa cử, kinh viện hoặc lạc hậu thì khoảng cách này càng lớn.
Đời sống thực tiễn trong thế giới hiện nay đòi hỏi các cá nhân có năng lực tư duy phê phán và sáng tạo cao để tự mình phát hiện vấn đề, tự mình tìm kiếm phương pháp giải quyết và hợp tác với người khác để giải quyết nó.
Trong thế giới đa dạng về giá trị và ngày càng phẳng, các cá nhân phải biết cách sống hòa hợp với nhau vì thế con người có tâm hồn phong phú là tiền đề quan trọng.
Nếu thừa nhận những mệnh đề trên thì sẽ thấy việc khen thưởng học sinh vì mục đích giáo dục không thể chỉ dựa đơn thuần vào điểm số.
Trong giáo dục, hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh, cảm thấy bản thân tiến bộ quan trọng hơn niềm vui chiến thắng người khác.
Việc khen thưởng nên chú ý đến các năng lực, hành động toàn diện của học sinh và việc khen không nên hiểu đơn giản là tặng…giấy khen.
Ví dụ, giáo viên có thể tạo ra những cơ hội để học sinh có thể suy ngẫm, sáng tạo và thể hiện bản thân.Khi đó, việc khen học sinh sẽ thể hiện bằng sự trân trọng những thành quả mà học sinh đã tạo ra và tạo ra cơ hội để học sinh biểu đạt, thể hiện bản thân.
Ở Nhật Bản, ngay từ trường mầm non, giáo viên đã rất chú ý tới điều này.
Nhà trường thường tổ chức các buổi “Happyokai” (Phát biểu) hay “Hyogenkai) (Biểu đạt) để học sinh có dịp thể hiện suy nghĩ, ý tưởng thông qua các tác phẩm mĩ thuật, sân khấu, hoạt động thể thao…
Trong các hoạt động này sự thắng thua sẽ không quan trọng bằng sự hợp tác, chia sẻ giữa học sinh với học sinh, phụ huynh với học sinh, giáo viên với học sinh và giữa các phụ huynh với nhau. Những tác phẩm học sinh tạo ra có thể được trưng bày tại lớp, trường học, siêu thị, bảo tàng...hoặc tặng lại học sinh.
Ở Việt Nam, rất hiếm những giáo viên chú ý tới việc tạo ra cơ hội cho học sinh suy ngẫm, sáng tạo và thể hiện các suy ngẫm, sáng tạo đó bằng sản phẩm của mình. Đấy là một điều đáng tiếc.
Giáo dục xét cho tới cùng là hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy để học sinh khám phá và phát triển bản thân trong điều kiện lý tưởng nhất có thể.
Vì thế, thay vì lo lắng xem cuối năm lớp mình sẽ có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh tiên tiến, giáo viên nên cố gắng tạo ra những cơ hội để học sinh sáng tạo, thể hiện sự sáng tạo và trân trọng những thành quả sáng tạo đó của các em.
Những bài văn, bài luận trong môn văn, sử, địa, công dân, những bức vẽ trong giờ mĩ thuật, những mô hình học sinh tạo ra trong giờ sinh học, vật lý… khi được tập hợp lại và trưng bày rất có thể sẽ là phần thưởng làm cho phụ huynh và học sinh cảm động hơn là những tấm giấy khen “từng mặt” hay “toàn diện”.
Con người rồi ai cũng phải lớn. Đến một lúc nào đó khi chia tay thời học sinh để làm người trưởng thành, những giấy khen, điểm số, danh hiệu thời đi học sẽ trở thành vô nghĩa.
Nhưng rất có thể những kỉ niệm và cảm giác sung sướng vì được bạn bè, thầy cô công nhận khi bản thân thể hiện sự sáng tạo sẽ còn mãi. Đấy sẽ là “động cơ trong” thúc đẩy con người theo đuổi những điều tốt đẹp.
Những con người có mong muốn sáng tạo và khẳng định bản thân thông qua sáng tạo sẽ có khả năng làm điều thiện và tạo ra thế giới tốt đẹp hơn những con người có xu hướng hành động để nhận lấy sự vui lòng hay lời khen từ những người trên.
Nguyễn Quốc Vương (Nhật Bản)