Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từ cuối năm 2013.
Tính tới nay, sau 6 năm triển khai, tổng số sản phẩm trong chu trình OCOP của Quảng Ninh là 421 sản phẩm tới từ 167 tổ chức OCOP (bao gồm doạnh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể). Trong đó, có 196 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, có đủ mặt ở 6/6 lĩnh vực ngành hàng.
Chương trình OCOP từ khi được đưa vào triển khai đã góp phần gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân vùng nông thôn Quảng Ninh. Cụ thể, nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn Quảng Ninh là 10.98 triệu đồng/người/năm thì tới 2018, con số này đã lên tới 38.5 triệu đồng/người/năm. Dự kiến trong năm 2019, con số này sẽ lên tới khoảng 41.2 triệu đồng/người/năm.
Khâu chọn lọc, đánh giá sản phẩm là vô cùng quan trọng. |
Từ thành công của mô hình OCOP ở Quảng Ninh, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của địa phương tiên phong triển khai OCOP với những thành công đáng ghi nhận, ông Vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh cho biết, điểm đầu tiên và quan trọng nhất là cần nhận thức đúng về chương trình, từ đó đưa ra những hướng triển khai đúng.
“Vì OCOP là chương trình kinh tế của cộng đồng nên chúng tôi luôn luôn nhớ rằng cần ứng xử với nó theo quy luật kinh tế. Bên cạnh đó, nói đến sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, nhiều người cho rằng chỉ cần kéo doanh nghiệp đầu tư vào. Tôi nghĩ đây là nhận thức chưa toàn diện nếu không muốn nói có sự sai lầm. Chúng ta cần dựa vào chính sức mạnh của cộng đồng đông đảo ở nông thôn, song hành với sự đầu tư của doạnh nghiệp mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất cho OCOP”, ông Long nhấn mạnh.
Trước khi bắt tay vào triển khai chương trình, cần xây dựng một lộ trình cụ thể với tầm nhìn dài hạn, có kế hoạch riêng cho từng giai đoạn, từng năm. Cùng với đó, chuẩn bị một cơ sở pháp lý hoàn thiện chính là điểm quan trọng để giúp chương trình diễn ra thuận lợi.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận OCOP |
“Ở Quảng Ninh, chúng tôi xây dựng một chu trình OCOP gồm 6 bước. Đầu tiên là chọn lọc sản phẩm tham gia vào chu trình OCOP rồi đến xây dựng kế hoạch phát triển, hoàn thiện sản phẩm; tổ chức thi, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; tạo thương hiệu sản phẩm và niềm tin cho người tiêu dùng. Khi đã ra được sản phẩm, chúng tôi lại đặc biệt quan tâm tới vấn đề dịch vụ và tiêu thụ. Chúng tôi luôn cố gắng tạo điểm nhấn và thực hiện thật tốt từng khâu để cả chu trình OCOP đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Vũ Thành Long chia sẻ.
Ông Long cũng cho biết, để một sản phẩm bật lên, có thương hiệu, cần tạo nguồn lực và chính sách khuyến khích cho sản phẩm ấy: “Thông thường, người nông dân khó khăn, thiếu thốn rất nhiều thứ, vậy nên nếu không có cơ chế khuyến khích, tạo nguồn lực, môi trường cho họ thì thì rất khó để họ tham gia”.
Ngoài ra, một kinh nghiệm khác giúp triển khai OCOP thuận lợi được người đứng đầu Ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh chia sẻ chính là nâng cao nhận thức, trình độ cho những cán bộ trực tiếp xây dựng chu trình OCOP ở địa phương. “Chúng ta cần chuẩn bị một bộ máy cán bộ hoàn chỉnh và hoàn thiện dần bộ máy ấy. Mỗi người cán bộ tư vấn vừa phải có kiến thức chuyên môn, vừa cần có tâm huyết để hiểu và giúp đỡ người dân”, ông Long nhấn mạnh.
“Công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng cần làm thật tốt. Sự đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị và nhân dân là tiền đề quan trọng nhất quyết định sự thành công của chương trình OCOP”, ông Long khẳng định thêm.
Bài: Đỗ Thị Thúy Nga - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV