Những thành công trong lịch sử
Từ một nền kinh tế đơn giản, quy mô nhỏ, nước Anh đã bứt phá đi lên thành công xưởng của thế giới, giàu có và thịnh vượng nhờ việc đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất bắt đầu khoảng giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.
Ban đầu, sản xuất trong ngành dệt may của Anh dựa trên quy trình thủ công giản đơn, quy mô nhỏ, lao động chân tay. Các nhà máy dệt đều phải đặt gần sông để lợi dụng sức nước.
Năm 1784, James Watt, kỹ sư người Scotland (thuộc Vương quốc Anh) phát minh ra máy hơi nước, khởi nguồn cho nhiều sự thay đổi, trong đó có ngành dệt may. Năm 1785, linh mục người Anh Edmund Cartwright cho ra đời máy dệt vải. Nhờ phát minh này, các nhà máy dệt của Anh có thể đặt bất cứ nơi nào và tăng năng suất dệt lên tới 40 lần.
Không chỉ dệt may, nước Anh phát triển bùng nổ trong ngành công nghiệp luyện kim nhờ phương pháp luyện sắt dùng lò luyện “puddling” mang đến độ bền tốt hơn cho máy móc. Độ bền còn được nâng lên một bậc sau khi các nhà máy áp dụng phát minh của nhà phát minh người Anh Henry Bessemer, tạo ra lò cao có khả năng luyện gang lỏng thành thép.
Nước Anh trở thành công xưởng của thế giới. Những chiếc đầu máy xe lửa và tàu thủy đầu tiên chạy bằng hơi nước đã xuất hiện ở quốc gia này vào đầu thế kỷ 19, giúp ngành giao thông của Anh thay đổi hoàn toàn, góp phần cho hoạt động sản xuất công nghiệp bùng nổ.
Cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và kỹ thuật tại Anh. Sau nước Anh là Pháp, Hà Lan… và các nước châu Âu khác. Khoa học kỹ thuật và ứng dụng đã biến châu Âu thành một châu lục giàu có và năng động nhất thế giới. Một kỷ nguyên mới đã được mở ra, kỷ nguyên sản xuất cơ khí, cơ giới hóa.
Các cuộc cách mạng công nghiệp. |
Cuộc cách mạng cũng đã lan rộng sang Mỹ. Thế kỷ 17-18 giúp vùng đất mới này phát triển nhanh chóng trở nên thịnh vượng.
Sự bứt phá của Tây Âu và Bắc Mỹ còn ấn tượng hơn trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 khi các nước này, trong đó có Mỹ đã phát triển rực rỡ nhờ nắm bắt thời cơ của CMCN lần thứ 2.
Cuộc CMCN lần thứ 2 giúp các nước phát triển bùng nổ nhờ việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ 2 đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn. Đến cuối thế kỷ 19, động lực của CMCN lần 2 chủ yếu là động cơ đốt trong và máy móc sử dụng điện.
Nước Mỹ không phải là quốc gia có những phát minh đầu tiên về điện, mà đó là Alessandro Volta (phát minh ra pin Volta) người Ý, Michael Faraday (phát minh ra động cơ điện) người Anh, hay Georg Ohm người Đức… Tuy nhiên, Mỹ là nơi ứng dụng và có những phát minh mang tính ứng dụng cao về điện cho hoạt động sản xuất.
Thomas Edison - nhà phát minh và thương nhân có nguồn gốc Hà Lan đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống trong thế kỷ 20. Ông là một trong những nhà phát minh đầu tiên ứng dụng các nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào quy trình sáng tạo.
Nikola Tesla (1856-1943) là một kỹ sư, nhà vật lý người Mỹ đã tạo ra hàng chục bước đột phá trong sản xuất, truyền tải và ứng dụng năng lượng điện. Ông đã phát minh ra động cơ xoay chiều (AC) đầu tiên và là người phát minh ra máy phát điện xoay chiều.
Công nghiệp hóa tại Mỹ còn lan rộng hơn tới Nhật Bản sau thời Minh Trị Duy Tân, và thâm nhập sâu vào nước Nga.
Cách mạng công nghiệp 4.0: Nỗi sợ của nước Mỹ và tương lai châu Á. |
Mỹ trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới ngay ngưỡng cửa của thế kỷ 20. Hệ thống đường sắt quốc gia được hoàn thành. Các nhà máy và các hoạt động khai thác quặng mỏ trên quy mô rộng đã công nghiệp hóa khắp đất nước rộng lớn này.
Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ điện đã làm thay đổi nền công nghiệp chạy bằng hơi nước trước đó cũng như thay đổi xã hội loài người. Tính linh hoạt của điện cho phép con người có thể ứng dụng nó vào vô số lĩnh vực như giao thông, ứng dụng nhiệt, chiếu sáng, viễn thông, và máy tính điện tử. Năng lượng điện ngày nay trở thành xương sống trong mọi công nghệ hiện đại.
Sản xuất là động lực cho sự tăng trưởng, phồn vinh và đổi mới của các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia công nghiệp như Anh, Đức, Mỹ, Nhật đã phát triển mạnh mẽ nhờ nắm bắt thời cơ để thúc đẩy sản xuất thông qua việc thực hiện công nghiệp hóa từ rất sớm.
Mỹ cũng là quốc gia đi đầu và phát triển bùng nổ nhờ cuộc CMCN lần thứ 3 (xuất hiện vào khoảng từ 1969), với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).
Cuộc cách mạng này đã tạo điều kiện tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội, cho phép chi phí tương đối ít hơn các phương tiện sản xuất để tạo ra cùng một khối lượng hàng hóa tiêu dùng. Kết quả đã kéo theo sự thay đổi cơ cấu của nền sản xuất xã hội cũng như những mối tương quan giữa các khu vực I (nông - lâm - thủy sản), II (công nghiệp và xây dựng) và III (dịch vụ) của nền sản xuất xã hội.
Trong hơn 3 thập kỷ vừa qua, một số nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á đã học hỏi, đi theo con đường tương tự, nhờ vậy đã đạt được tăng trưởng ngoạn mục và phát triển từ chiến lược công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu.
Các nước Đông Á như Nhật, Hàn Quốc không phải đi đầu trong cuộc cách mạng lần thứ 3 nhưng biết tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này và có những bước phát triển đột phá, trở thành những nước top đầu trên thế giới, nhất là về khoa học công nghệ.
Cơ hội cho Việt Nam
CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) bắt đầu vào đầu thế kỷ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng số hoá, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối (IoT), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới,... Hiện tại, cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.
Cuộc cách mạng 4.0 với dữ liệu lớn, kết nối internet tốc độ cao (5G), điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là sẽ đem đến những thay đổi vô cùng lớn cho thế giới và cho những nước biết nắm được thời cơ.
Thực tế cho thấy, trong các cuộc cách mạng trước, nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung, Bắc Mỹ (và nước Mỹ) cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc… đã phát triển mạnh mẽ và trở thành mẫu hình cho thế giới về đột phá thay đổi vận mệnh dân tộc.
Cuộc CMCN không chỉ làm thay đổi đời sống con người, các cuộc CMCN còn dẫn tới sự thay đổi toàn diện hình thái kinh tế - xã hội và là cơ hội cho nhiều nước đi sau, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội cho các nước đang phát triển. |
Sự phát triển của nhiều nước qua các cuộc CMCN đã để lại bài học quan trọng trong việc nắm bắt cuộc cách mạng 4.0 hiện nay là phải chú trọng đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật để đón đầu công nghệ.
CMCN 4.0 kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Khi so sánh với các cuộc CMCN trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Hiện CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.
Mặt trái của CMCN 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 chính là cơ hội để các nước đi sau, các nước đang phát triển có thể tăng tốc bứt phá để vượt lên trong một thế giới đầy cạnh tranh.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng dương gần 3% trong khi hầu hết các nước tăng trưởng âm.
Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình thấp và đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để một quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên thu nhập cao mất khoảng 30-40 năm. Trong khoảng thời gian này, nếu thu nhập không tăng lên, quốc gia đó chính thức bị coi là đang mắc bẫy thu nhập trung bình.
Trong một nghiên cứu gần đây, ADB cho rằng, Việt Nam cần tạo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi sang cuộc CMCN 4.0, tăng năng suất của người lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia. Việc ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển lên trên trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ.
V. Hà