Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh mục đích của hội thảo: Ô nhiễm nhựa là thách thức nghiêm trọng và cấp bách, do đó, thế giới cần sớm thông qua khuôn khổ pháp lý để kịp thời giải quyết thách thức nghiêm trọng này.

Sau 2 năm tham gia đàm phán, nhân loại đang đứng trước một thời điểm then chốt để kết thúc đàm phán xây dựng, thông qua văn kiện ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa trên phạm vi toàn cầu tại Hội nghị INC-5 sẽ chính thức diễn ra ở Busan, Hàn Quốc, trong 3 tuần nữa.

W-racthai.png
Ảnh minh hoạ

Việc đạt được một thoả thuận toàn cầu tại INC-5 được coi là kết quả rất tham vọng. Hiện nay, thế giới còn rất nhiều việc phải làm nhằm thu hẹp khác biệt, thậm chí là sự trái ngược trong quan điểm đàm phán của nhiều quốc gia, nhóm quốc gia, chẳng hạn như: sản xuất, cung ứng, các sản phầm nhựa và hóa chất đáng quan ngại; cơ chế tài chính… Trong khi đó, thời gian đàm phán chỉ còn gần 7 ngày ở Hàn Quốc.

Khi được thông qua và đi vào thực thi, Thoả thuận sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa…

Do đó, yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho Đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5 ở Busan, Hàn Quốc, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam, bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật (nếu có).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các kịch bản khác nhau cho Việt Nam, với trọng tâm là những vấn đề then chốt như hóa chất đáng quan ngại, sản xuất và chuỗi cung ứng nhựa và cơ chế tài chính.

TS. Phạm Văn Hiếu, Chuyên gia từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những phân tích về văn bản đàm phán và các cân nhắc quan trọng đối với Việt Nam. Các báo cáo cập nhật từ các cuộc họp giữa kỳ và văn bản phi chứng thức từ Chủ tịch INC cũng được đề cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy định hóa chất và giảm thiểu sản xuất nhựa nguyên sinh.

Ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của UNDP đề cập tới thông tin, sẽ có một số tác động bất lợi nhất định đến nền công nghiệp nhựa trị giá hơn 20 tỷ USD của Việt Nam nếu Thỏa thuận thông qua các quy định về kiểm soát và loại bỏ hóa chất quan ngại trong sản xuất nhựa.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng về các giải pháp hóa chất và phụ gia thay thế, điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm thiểu tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ thị trường Việt Nam, thậm chí tác động đến việc làm của gần 300.000 lao động trong ngành nhựa.

Với tham vọng sẽ kết thúc tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, Phiên họp INC-5 được kỳ vọng sẽ đưa đến nhiều kịch bản khác nhau đối với tiến trình đàm phán hiện nay.