Tại Việt Nam hiện nay, các bệnh lý gan mật rất phổ biến. Trong đó, ung thư gan, suy gan, xơ gan,… có thể cướp đi sinh mạng người bệnh với tỷ lệ rất cao.
Theo GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông thường, tất cả phương pháp điều trị hiện có đều gần như không hiệu quả nếu mắc các bệnh lý này ở giai đoạn cuối. Ghép gan là “cứu cánh” duy nhất, cũng là phương pháp y học hiện đại nhất có thể cứu sống bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện vấn đề triển khai ghép gan ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Lý do bởi ghép tạng đòi hỏi rất nhiều điều kiện như nguồn nhân lực đủ mạnh; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đủ lớn; các chuyên ngành (từ ngoại khoa, nội khoa, chuyên khoa, gây mê hồi sức,…) phải cùng phát triển chặt chẽ, tạo thành tổ hợp hoàn chỉnh để phối hợp với nhau. Trong đó, công tác điều phối, tổ chức thực hiện mang tính quyết định tới thành công của ca ghép, cần hết sức thận trọng.
Bên cạnh đó là khó khăn về thiếu nguồn tạng. Hiện hướng giải quyết tốt nhất là lấy tạng từ người cho chết não, bởi nguồn tạng từ người cho sống chỉ cứu được 1 người, nhưng tạng từ người cho chết não có thể cứu 8 người. Nhưng thực tế ở Việt Nam, 1 năm có 10.000 người chấn thương sọ não tử vong thì chỉ có chưa đến 20 người hiến tạng.
Theo TS.BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật gan mật tụy, Trưởng tiểu ban ghép gan, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, chi phí ghép gan tại Việt Nam hiện ở mức rẻ nhất thế giới.
Cụ thể, chi phí 1 ca ghép gan tại nước ta khoảng 50.000 USD (1,13 tỷ đồng). Trong khi đó, ở Singapore, chi phí là khoảng hơn 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng), Hàn Quốc là hơn 200.000 USD (trên 4,5 tỷ đồng). Tại Pháp, chi phí này khoảng 200.000 Euro cho 1 lần ghép (5,1 tỷ đồng).
“Nhưng thực tế, thu nhập của đa số người dân Việt Nam chưa cao nên việc triển khai ghép gan là khó khăn lớn với nhiều gia đình”, TS Thành nói.
Hiện nay, cả nước ta có 9 trung tâm ghép gan, đến nay mới thực hiện ghép gan cho tổng số hơn 300 bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong 1 ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC |
TS.BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật gan mật tụy, Trưởng tiểu ban ghép gan, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Ảnh: N.Liên |
TS.BS. Lê Văn Thành cho biết, theo các số liệu thống kê trên thế giới, thời gian sống của bệnh nhân ghép gan trong vòng 1 năm đạt 90%, sau 3 năm là 80% và 5 năm là 70%. Ngoài ra, một số trung tâm lớn khác công bố tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%.
Tại Việt Nam, lấy số liệu từ 108 ca ghép gan Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã thực hiện trong hơn 4 năm qua, thời gian sống sau 1 năm là 95%, sau 3 năm là 90%. Đây là tỷ lệ tốt so với thế giới.
Riêng với nhóm bệnh nhân ung thư được ghép gan, trên thế giới, 70% bệnh nhân sau ghép khỏe mạnh, không tái phát ung thư, có những nơi lên đến 85-90%. Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, con số này đang dừng ở mức 88%.
Về vấn đề chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép, TS Thành thông tin, tất cả các bệnh nhân phải ghép gan đều là trường hợp bệnh lý gan giai đoạn cuối, nếu không ghép sẽ tử vong. Sau ghép, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. “Đến nay, sau hơn 4 năm, những trường hợp đầu tiên được ghép gan taị bệnh viện vẫn sống khỏe mạnh”, TS Thành nói.
Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc chống thải ghép (ức chế miễn dịch) suốt đời. TS Thành cho hay, trong 1 tháng đầu sau khi người bệnh ra viện, các bác sĩ sẽ theo dõi 1 tuần 1 lần để điều chỉnh thuốc. Sau thời gian này, cứ 1-3 tháng, bệnh nhân cần đi khám lại để tiếp tục điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Thông thường, những năm về sau, bệnh nhân sẽ được giảm liều xuống thấp hơn.
Thuốc chống thải ghép có một số tác dụng phụ là ngứa, run tay. Triệu chứng này xảy ra ở số ít bệnh nhân và sẽ hết dần theo thời gian. Ngoài ra, 3% bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng suy thận.
Với người cho sống, theo TS, các thống kê trên thế giới công bố tỷ lệ rủi ro cho người hiến gan là khoảng 3/1.000, tức có thể tử vong. Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chưa ghi nhận trường hợp người cho gan tử vong. Khoảng 1 tuần sau phẫu thuật, người hiến có thể ra viện và cần 4-6 tuần sau hiến để hồi phục sức khỏe.
Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - GS.TS. Mai Hồng Bàng nhấn mạnh, trong các mô tạng của cơ thể, duy nhất gan có thể tự tái tạo sau khi bị tổn thương, hoại tử, mất đi. Chính vì thế, khi gan bị cắt 1 phần thì phần còn lại, do nguyên tắc tự bù để phục hồi chức năng sẽ tự sinh ra tế bào mới, tự tái tạo chính các tế bào gan bị thiếu hụt. Sau một thời gian ngắn, có người đã trở về trọng lượng như gan bình thường. Như vậy, hiến gan không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe.
Trường hợp đầu tiên hiến gan tại Bệnh viện 108 là 1 nam thanh niên trẻ tuổi, hiến gan cho mẹ. Sau hơn 4 năm, người này vẫn khỏe mạnh, đã lấy vợ và sinh con, chất lượng cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Nguyễn Liên
Lần đầu tiên tại Việt Nam có người hiến và ghép thận khác nhóm máu
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa thực hiện thành công ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên. Người hiến mang nhóm máu B, người nhận thuộc nhóm máu A.