Samsung và LG, hai tên tuổi lớn của làng di động Hàn Quốc, bị lôi vào cuộc chiến cả về thị phần lẫn lợi nhuận trước sức ép của Apple trong phân khúc cao cấp và Trung Quốc trong phân khúc bình dân. Lee Seung Woo, nhà phân tích của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến thành công của dòng Galaxy, đặc biệt là S2, S3 và S4, là do chưa có các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei và Xiaomi. Ngày nay, smartphone cao cấp của Samsung dần mất chỗ đứng chính vì những đối thủ đến từ Trung Quốc.

Samsung công bố Galaxy S2 vào tháng 2/2011 và con gà đẻ trứng vàng này đã dẫn công ty Hàn Quốc đến vị trí thống trị thị trường. Dù hiện tại không còn êm ái như vài năm trước, Samsung vẫn là thế lực không thể xem nhẹ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có phải thời hoàng kim của smartphone Hàn sắp kết thúc? “Các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào hiệu suất của thiết bị mà không phải là giao diện (UI) hay trải nghiệm người dùng (UX), trái ngược với iPhone”, Lee Shin Doo, Giáo sư Đại học quốc gia Seoul, bày tỏ quan điểm. Vai trò của UI và UX trong một thiết bị điện tử là chủ đề gây tranh cãi giữa các chuyên gia CNTT nhưng dù bất đồng đến thế nào, chúng vẫn quyết định đến tương lai của các mẫu smartphone của “xứ sở kim chi”.

Nguy cơ từ Apple, Trung Quốc

Không chỉ bị Apple tấn công trên phân khúc cao cấp, Samsung và LG còn chứng kiến một loạt công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Lenovo cho ra đời các điện thoại chất lượng tốt nhưng giá rẻ đáng kinh ngạc. Ba cái tên này đã đột phá vào danh sách 5 hãng smartphone có thị phần lớn nhất thế giới quý II/2015, theo thống kê của IDC. Trong khi đó, hôm 30/7, Samsung báo cáo doanh thu giảm quý thứ 7 liên tiếp, lợi nhuận giảm 8%. LG còn thê thảm hơn khi lợi nhuận kinh doanh cùng kỳ giảm 60% so với một năm trước đó.

Thị phần toàn cầu của Samsung cũng giảm, chỉ còn 21,7% tương ứng với 73,2 triệu máy trong quý II, giảm khoảng 2,3%. Ngược lại, thị phần gộp của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc lại đánh bại các đối thủ Hàn Quốc vào tháng 12/2014, theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (31,3% so với 30,1%).

Samsung còn bị tổn thương do không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường cho mẫu smartphone màn hình cong Galaxy S6 Edge. Tuy vậy, các mẫu Galaxy đời cũ lại bán chạy nhờ các chương trình giảm giá sâu và khuyến mại lớn.

Phát ngôn viên LG cho biết công ty dự định khác biệt hóa bằng cách củng cố thương hiệu và đưa ra dịch vụ hậu mãi tốt hơn. Samsung khẳng định sẽ bảo đảm cả doanh số lẫn lợi nhuận, phát triển thêm nhiều thiết bị cả bình dẫn lẫn cao cấp.

Kinh tế Hàn Quốc trong cơn bão smartphone

Tổng sản lượng xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 7 tháng liên tiếp nhưng các sản phẩm CNTT lại tăng. Theo Bộ Khoa học Công nghệ và Kế hoạch, xuất khẩu CNTT đạt 173,8 tỷ USD năm 2014, tăng 2,6% so với năm trước đó, chiếm 30,3% tổng sản lượng xuất khẩu. Galaxy S6 và LG G4 dẫn đầu tăng trưởng. Do đó, có thể nói Galaxy Note5 và S6 Edge+ không chỉ quan trọng với Samsung mà còn với cả nước.

Ông Lee Shin Doo cho rằng chiến lược mới của Samsung và LG bắt buộc phải bao gồm các thiết bị nhanh hơn nhưng hướng đến người dùng nhiều hơn. “Việc Samsung phải làm không chỉ là nhấn mạnh hiệu suất của thiết bị mà là mang cho nó bộ mặt của con người… Nhìn mà xem, người trẻ muốn một thứ không chỉ là đồ chơi mà còn là một người bạn”.

Với LG, tình hình còn phức tạp hơn. LG không có ngành bán dẫn để dựa vào như Samsung và cũng thiếu mất một “gia vị” quan trọng. Theo ông Lee, rất khó để LG khác biệt hóa sản phẩm với các đối thủ. Trung Quốc đang phát triển các điện thoại cao cấp nhưng giá rẻ, còn iPhone của Apple lại có UI/UX tuyệt vời, thiết kế nổi bật và phong cách hấp dẫn.