Nhưng điều này không bất ngờ với những ai quan tâm đến chính sách minh bạch và trao đổi thông tin về thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)(1). Chương trình này đã được khởi xướng từ năm 2009, bắt đầu với tuyên bố của các lãnh đạo nhóm G20 “thời kỳ của bí mật ngân hàng kết thúc từ đây”.
Một ví dụ điển hình là Thụy Sĩ, một biểu tượng về giữ bí mật tài khoản ngân hàng, cũng đã tham gia chương trình trao đổi thông tin từ tháng 10-2018.
Trong báo cáo kỷ niệm 10 năm của Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin thuế (OECD, 2019), nhiều kết quả đạt được bất ngờ là nguồn cổ vũ quan trọng cho chương trình tiếp tục được lan tỏa và phát triển.
Theo đó, nhờ vào việc tự giác khai báo và điều tra các thiên đường thuế, các chính phủ đã thu thêm cho ngân sách khoảng 102 tỉ euro, số tiền gửi ở tài khoản ngân hàng nước ngoài giảm khoảng 410 tỉ đô la Mỹ.
Cũng trong thời gian này, có gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào việc xóa bỏ bí mật ngân hàng, với khoảng 250.000 yêu cầu cung cấp thông tin. Việc trao đổi thông tin được thực hiện dưới hai hình thức: trao đổi theo yêu cầu (exchange of information on request, EOIR) và trao đổi tự động (automatic exchange of information, AEOI).
Ngày 30-6 vừa qua, Tổ chức OECD đã cập nhật thông tin mới nhất về việc minh bạch hóa tài khoản ở nước ngoài. Trong năm 2019, việc trao đổi thông tin liên quan đến 84 triệu tài khoản, gần gấp 2 lần so với năm 2018, và gấp tám lần so với năm 2017. Giá trị tài sản liên quan đến các thông tin trao đổi lên đến 10.000 tỉ euro, với sự tham gia của 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nếu không tích cực và chủ động tham gia vào việc trao đổi thông tin với các quốc gia khác thì theo các quy chế song phương, đa phương, Việt Nam khó có thể có được các thông tin liên quan đến thuế mà mình cần. |
Không chỉ liên quan đến tài khoản ngân hàng, chương trình trao đổi thông tin còn liên quan đến xác định danh tính quyền sở hữu công ty.
Trước đây, có những quốc gia và vùng lãnh thổ không cho phép xác định danh tính chủ sở hữu của công ty hay cho phép phát hành chứng nhận sở hữu doanh nghiệp (bearer share) nhằm che giấu thông tin của người chủ sở hữu thực sự. Nhưng khi tham gia vào chương trình trao đổi thông tin, 90% thành viên đã thay đổi thông lệ này.
Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng chương trình minh bạch về thuế hiện nay chỉ có thể nhắm đến các chuyên gia, những cá nhân có thu nhập cao từ nhiều nguồn khác nhau. Còn đối với các doanh nhân, việc kiểm soát thuế thu nhập cá nhân của tầng lớp này còn rất nhiều khoảng trống, cả về triết lý (philosophy) lẫn thực tiễn (practice).
Chương trình trao đổi thông tin được sự tham gia tích cực của các nước phát triển, và đang khuyến khích sự tham gia của các nước đang phát triển. Ở hai cấp độ khác nhau là trao đổi thông tin tự động và trao đổi thông tin theo yêu cầu, các nước đang phát triển chủ yếu tham gia ở mức độ thấp hơn. Tuy vậy, số lượng các nước đang phát triển tham gia chương trình ngày càng tăng.
Các nước đăng ký là thành viên (member) được phân loại theo năm nhóm khác nhau: chưa làm đánh giá (not yet reivewed), không đáp ứng (non-compliant), đáp ứng một phần (partially compliant), đáp ứng phần lớn (largely compliant), và đáp ứng (compliant).
Việt Nam mặc dù đã đăng ký là thành viên của chương trình nhưng cho đến nay vẫn chủ yếu là quan sát viên. Đối với chương trình trao đổi thông tin theo yêu cầu (EOIR), đánh giá vòng 1 chưa được thực hiện và đánh giá vòng 2 dự kiến vào năm 2023.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa ký công ước về hỗ trợ hành chính tương hỗ (Mutual Administrative Assistance Convention). Đương nhiên, với rất ít cam kết với chương trình EOIR thì chương trình AEOI là còn quá xa vời với Việt Nam.
Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, và thuế thu nhập cá nhân là ba trụ cột quan trọng trong thu ngân sách của các chính phủ. Đối với Việt Nam, việc kiểm soát thất thu từ thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt đối với những trường hợp thu nhập cao có khả năng trốn thuế, các nguồn thu nhập bất hợp pháp, và tham nhũng là hết sức cần thiết và cấp bách.
Nếu không tích cực và chủ động tham gia vào việc trao đổi thông tin với các quốc gia khác thì theo các quy chế song phương, đa phương, Việt Nam khó có thể có được các thông tin liên quan đến thuế mà mình cần.
(Theo TBKTSG)