- Khác với những chính sách mang tính đối phó, chăm chăm vào lợi ích trước mắt và bị xâu xé bởi những nhóm đặc quyền-đặc lợi, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mà Thủ tướng xác định cho năm 2014 nhắm tới những mục tiêu dài hạn.

LTS: Trong thông điêp gửi tới người dân ngày đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình”.

Năm 2014 sẽ là một bước ngoặt trong quá trình xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển (NNKTPT) ở Việt Nam. Khác với những chính sách mang tính đối phó, xoay xở, chăm chăm vào lợi ích trước mắt, và bị xâu xé bởi những nhóm đặc quyền-đặc lợi, mô hình NNKTPT nhắm tới những mục tiêu dài hạn, trong đó tập trung vào xây dựng những nền tảng cho các đột phá chiến lược.

Những đột quá này cần vốn, cơ sở hạ tầng, con người, nhưng đặc biệt một trong những yếu tố cần thiết tiên yếu nhất là một thể chế - chính sách tốt đóng vai trò đòn bẩy, kích hoạt những nhân tố xung quanh.

Tuần Việt Nam xin gửi tới độc giả bài viết phân tích thông điệp quan trọng này của Thủ tướng.

Ba đặc tính tiền phong

Định nghĩa về NNKTPT được đưa ra lần đầu năm 1982 bởi học giả Chalmers Ashby Johnson. Theo ông, NNKTPT là một mô hình quản lý nhà  nước, trong đó nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

{keywords}

Sau Johnson, có nhiều tác giả tiếp tục phát triển khái niệm này dựa trên các lý thuyết khác nhau và kinh nghiệm thực tế. Học từ thế giới và trong bối cảnh của Việt Nam, mô hình NNKTPT phải đảm bảo được ba đặc tính tiền phong sau:

(i) Từ chức năng kiểm soát sang quản trị và kiến tạo là tâm điểm của mô hình. Song song với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, những vấn đề phát triển từ một phương thức quản lý xã hội còn mang tính truyền thống sang hiện đại là hai nhân tố quan trọng khi đặt vấn đề xem xét trong điều kiện nước ta. Câu hỏi ở đây không phải là Nhà nước quản lý ít hay nhiều, mà là Nhà nước quản lý như thế nào.

Một mô hình Nhà nước mạnh, trên ý nghĩa đủ khả năng đối phó trước những rủi ro, đảm bảo an ninh chung cho cả cộng đồng đang là con đường chúng ta cần tiến tới. Từ việc dung hòa các lợi ích, với cơ chế tạo được sự cân bằng trong quá trình ra quyết định, Nhà nước - nhìn từ một khía cạnh, sẽ không còn phải giữ nhiều trọng trách như trước. Nhưng ngược lại, do có sự tham gia của nhiều tác nhân, Nhà nước không còn đứng trước nguy cơ gánh vác những rủi ro một mình, nên sẽ có điều kiện tập trung tốt hơn vào những lĩnh vực mà thị trường và các thành phần xã hội khác không thể đảm đương.

(ii) Nhà nước sẽ mạnh khi mỗi người dân cảm thấy đây là thiết chế đại diện cho mình. Đất nước sẽ đứng lên khi mọi người tin rằng đang cùng chia sẻ một sứ mệnh. Tạo khung pháp lý hành động thông qua nguyên tắc giao quyền, ủy quyền và phân quyền nhiều hơn chính là bí mật thành công của cải cách kinh tế sau thời kỳ Đổi Mới.

Sau một thời gian dài trong cơ chế quan liêu bao cấp, sinh hoạt thị trường với quy luật cung cầu đặt lại nhiều vấn đề về quản lý. Một trong số đó là phân chia quyền và nghĩa vụ. Nếu Nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch nắm vai trò chủ đạo về mọi mặt, với nghĩa vụ cuối cùng đảm bảo thịnh vượng và an ninh cho cả cộng đồng, thì Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có xu hướng chia sẻ vai trò này với những tác nhân khác.

Trước sự hình thành những “tập đoàn lợi ích” khác nhau, thậm chí nhiều khi đối lập thì việc mở rộng quyền tham gia - chịu trách nhiệm trong các thành phần kinh tế, các lực lượng xã hội khác nhau chính là một cách để “dung hòa lợi ích”, gắn kết các nhóm lợi ích lại với nhau bằng những định chế mang tính chế tài của luật pháp và sự giám sát của công luận.  

(iii) Quản trị rủi ro (hơn là giải quyết sự việc khi đã rồi). Chính trị gia người Ý Machiavelli (1469-1527) trong tác phẩm Quân vương (The Prince) nổi tiếng từng viết rằng: “[…] chuyện quốc gia đại sự như thầy thuốc chữa bệnh lao. Thời kỳ đầu, bệnh dễ chữa nhưng khó chẩn đoán. Sau một thời gian không được phát hiện, bệnh trở nên dễ chẩn đoán, nhưng khó chữa. Bằng khả năng nhận biết trước hiểm họa, quân vương sẽ nhanh chóng đối phó. Tuy vậy, khi những hiểm họa đó không được ai biết đến, lớn dần lên, thì một lúc nào đó, mọi người đều biết nhưng không còn khả năng giải quyết”.

Machiavelli hiến kế cho vua xứ Florence hồi năm thế kỷ trước, nhưng “nguyên tắc vàng” của nghệ thuật lãnh đạo đến nay vẫn không hề thay đổi: Chính trị là tiên liệu và phòng ngừa trước rủi ro. Đây là bài toán quản trị trước các vấn đề có thể phát sinh bằng năng lực phân tích, dự báo, đặt giả thuyết, xây dựng kịch bản trên cơ sở chắc chắn của khoa học. Từ đó tìm ra những cách thức giải quyết phù hợp.

Tại sao 2014?

Từ 1986, quá trình “Đổi Mới” tại Việt Nam song hành với hai xu hướng chính. Một là sự cởi trói cho các thành phần xã hội tham gia vào việc sản xuất, phân phối và kinh doanh các mặt hàng lưu thông trong thị trường. Hai là việc thay đổi dần dần thế giới quan về trật tự thế giới, với tiếp cận vượt ra khung góc nhìn “hai phe”.

{keywords}

Nhìn nhận sự kết nối của các quốc gia khác nhau đang hình thành một thị trường chung trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi đẩy nhanh quá trình cùng liên kết.  “Hội nhập” có thể được hiểu bằng cách nói ngược là “nhập hội” với hai góc nhìn. Một là khi thế giới có xu hướng ngày càng gom thành một hội, để phát triển khó ai có thể đứng ngoài. Hai là “hội thế giới” đã có rồi (về luật lệ, về cách chơi hay về phương thức phân chia lợi ích) và mình là kẻ đến sau, nên phải tìm cách “nhập hội”.

37 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn trên con đường phát triển kinh tế. Công cuộc đổi mới đã đưa chúng ta thoát nghèo. Hội nhập, đi theo cơ chế thị trường... đã được lựa chọn, kỳ vọng trong vai trò dẫn dắt đến thịnh vượng. Nhưng, hội nhập không đơn giản là một cái gật đầu. Cũng như kinh tế thị trường đòi hỏi phải có những nguyên lý quản trị quốc gia và cả doanh nghiệp tương thích. Trong quá trình này, cần nhất là sự huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm.

Tăng trưởng kinh tế dẫn đến thay đổi cấu trúc xã hội, thể chế quản trị, quan điểm và cách nhìn nhận thế giới; thời điểm mà những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột có thể thúc đẩy lên cao trào. Xung đột giữa cái mới và cái cũ, cái hiện đại và cái truyền thống, cái đối với người này được lợi, nhưng với người kia là thua thiệt. Trong khi người mạnh muốn tiếp tục tiến, những người yếu cảm thấy sợ hãi và muốn bám chặt cái có sẵn mà mình đang có. Xã hội có thể bước tới, có thể bước lùi, hoặc cứ dùng dằng trong gian đoạn chuyển tiếp. Và những cái tiến, cái lùi, nhóm muốn bức phá, người vẫn dùng dằng đã thể hiện rõ qua bức tranh tình hình kinh tế-chính trị-xã hội trong khoảng thời gian từ 2011.

Nói như người đứng đầu Chính phủ: trong những năm qua cả hệ thống và bộ máy phải tập trung vào giải quyết những công việc trước mắt. Vì thế những nỗ lực bứt phá, tạo dựng các nền tảng cho phát triển trung và dài hạn vẫn còn hạn chế. Năm 2013 kết thúc với những tín hiệu tích cực và khả quan hơn về tình hình kinh tế vĩ mô. “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”[1].

Xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chính là 4 trọng tâm chiến lược chính của Chính Phủ trong năm 2014. Thực hiện được hiệu quả 4 trọng tâm sẽ là những đột phá để thiết lập lại niềm tin để tất cả chúng ta, giữa Nhà nước và người dân cùng chung một hướng, cùng đồng cảm một tấm lòng, cùng san sẻ khó khăn, và cùng vượt qua những thử thách trong 2014. Như điểm tựa để xây dựng một nước Việt hùng cường.

Nguyễn Chính Tâm 

  


(1) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/156103/doi-moi-the-che--phat-huy-quyen-lam-chu-cua-dan.html