Quả Đất thực sự bước vào thời kỳ lâm nguy cùng với sự gia tăng phát thải khí nhà kính, chủ yếu khí dioxyt carbon CO2.

Dư luận vẫn còn nhớ những ngày cuối tháng 9/2014 vừa qua, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu bỗng được cả thế giới quan tâm. Từ không khí sôi sục dậy lên với 2.000 cuộc biểu tình với 600.000 người tham gia dồn dập xảy ra ở nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới, từ New York (Mỹ) đến Paris (Pháp), từ London (Anh) đến Sydney (Úc)… 

{keywords}
Nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu là nhiệm vụ chung của loài người.

Tiếp đó là cuộc Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra đông đủ như chưa bao giờ có với sự có mặt của các vị lãnh đạo cao cấp của 120 chính phủ nước cùng đại biểu của 200 tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thế giới.

Không khí trong và ngoài Hôi nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu vừa qua đã vang lên lời cảnh báo: Quả Đất thực sự bước vào thời kỳ lâm nguy cùng với sự gia tăng phát thải khí nhà kính, chủ yếu khí dioxyt carbon CO2.

Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh năm 2014 qua rồi mà vẫn thiếu một thỏa thuận quốc tế có khả năng ấn định những tiêu chí, những bước đi cụ thể với sự phân công trách nhiệm cho mỗi nước… 

Điều này cũng có thể hiểu được. Bởi lẽ, đây chỉ mới là hội nghị mang tính chuẩn bị cho cuộc họp Thượng đỉnh nữa sắp tới tại Lima vào cuối năm nay và nội dung đáng chờ đợi nhất là các thoả thuận pháp lý có ý nghĩa hy vọng sẽ đạt được tại Hội nghị các nước thành viên sau đó, ở Paris, năm 2015.

Và đặc biệt, một động tác chuẩn bị đồng thời quan trọng được thực hiện bởi một tổ chức, gọi là Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi khí hậu (tên tiếng Anh: Intergovernmental Panel on Climate Change, viết tắt IPCC) được thành lập năm 1988 bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), hai tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc. 

IPCC chịu trách nhiệm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những đánh giá định kỳ mang tính khoa học liên quan biến đổi khí hậu, tác động của tình trạng này, các nguy cơ trong tương lai, cũng như các phương án để thích nghi và giảm nhẹ hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Sau đây là một số nội dung trong báo cáo tổng hợp đánh giá về thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu trong 7 năm qua do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) vừa mới công bố vào ngày 2/11 tại Copenhagen, Đan Mạch.

Trước hết, báo cáo khẳng định thế giới đang trong tình trạng nóng lên toàn cầu và phần lớn là do lỗi của con người. Hậu quả là từ cuộc Cách mạng công nghiệp năm 1750 đến nay, con người đã thải ra gần 2.000 tỷ tấn CO2 vào không khí, trong đó có đến một nửa lượng khí này thải ra trong 40 năm vừa qua.

Lượng khí CO2 hiện đang ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua. Một số hậu quả đã được quan sát rõ rệt, như nước biển dâng cao, nước các đại dương ấm hơn và có nồng độ axít cao hơn trước, đồng thời tình trạng tản chảy của các sông băng vĩnh cửu và Bắc Băng Dương.

Vì vậy, IPCC đề xuất: Biện pháp cấp bách để giảm nhẹ tác động của tình trạng là hạ mức khí thải khí nhà kính, tốt nhất nếu giảm xuống 0% được ngay trong thế kỷ này.

IPCC cũng đưa ra những lời đề nghị về hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Trước hết, khuyến cáo: Thế giới có đầy đủ phương tiện để hạn chế biến đổi khí hậu mà không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và nhân đạo và cần chấm dứt xu hướng sử dụng quá nhiều dầu mỏ, than và khí đốt trong ngành năng lượng của thế giới, đây là nguồn phát thải khí CO2 trực tiếp vào bầu khí quyển.

IPCC còn kiến nghị: Đến năm 2030, cần tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng ít khí thải CO2, cũng như phát triển các phương tiện giao thông, công nghiệp và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, cho dù định hướng đó sẽ cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư mỗi năm.

Ngoài ra, cũng phải chú trọng đến dự án nghiên cứu tách CO2 khỏi lượng khí thải của các nhà máy trước khi thải lượng khí này vào bầu khí quyển.

Tổng Thư Ký LHQ, trước đó, ở diễn đàn Hội nghị New York tháng Chín mới đây đã nhắc lại "Mục tiêu trước đây là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C” và khẳng định đó là điều quan trọng của các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu. Do đó, IPCC càng nhấn mạnh: Thế giới còn "rất ít thời gian" để đạt mục tiêu chung cuộc là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, giảm lượng khí phát thải CO2 từ 40-70% từ năm 2010 đến 2050, tiến tới xuống mức 0% vào năm 2100.

Minh Trần (Tổng hợp)