- Trong đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 (vừa diễn ra ngày 6/1), có một câu hỏi đặt ra một vấn đề khá ý nghĩa. Câu hỏi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về quan niệm "Điều quan trọng không phải là chúng ta có vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”.

Câu nói này của thầy thuốc - tác gia nổi tiếng người Mỹ Oliver Wendell Holmes.

Giữa thời buổi mà không ít người mải mê chạy theo những cái lợi trước mắt, cố kiếm cho được một vị trí nhất thời, chẳng mảy may nghĩ gì đến những đích đến tốt đẹp, tươi sáng cho mai sau thì thông điệp gửi đến từ đề thi trở nên rất ý nghĩa và có giá trị nhân văn sâu sắc

{keywords}
Ảnh: Đinh Tuấn

Câu hỏi này thuộc phần "Nghị luận xã hội" (8 điểm) trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn. Phần còn lại là câu hỏi về Nghị luận văn học (12 điểm) được ra ở mức độ cao. Đề thi này thích hợp để có thể tuyển lựa được những học sinh giỏi văn thực sự.

Câu hỏi về nghị luận văn học yêu cầu học sinh bằng trải nghiệm văn học của bản thân, bình luận 2 ý kiến của nhà văn Marcel Proust “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập” và ý kiến của nhà văn Tô Hoài “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.

Đối với những học sinh dự thi kì thi này, 2 ý kiến trên không hề xa lạ mà rất quen thuộc vì được trích dẫn từ sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 trang 180, 181 bài “Quá trình văn học và phong cách văn học”.

Ý kiến của Marcel Proust đề cập đến phong cách cá nhân của nhà văn, ý kiến của Tô Hoài đề cập đến phong cách thời đại. Đây là những kiến thức lí luận văn học mà học sinh đã được học trong chương trình và chắc chắn đã được rèn luyện rất nhiều trong các buổi bồi dưỡng học sinh giỏi.

Ý kiến của Marcel Proust và ý kiến của Tô Hoài trước đây cũng từng được sử dụng trong đề thi học sinh giỏi ở các tỉnh.

Tuy nhiên, các đề văn trước đây thường ra riêng từng ý kiến thì đề văn này đã kết hợp được cả hai ý kiến trên.

Để làm được câu này, bên cạnh khả năng vận dụng kiến thức để bình luận một vấn đề văn học, học sinh còn phải có một cái nhìn liên hệ từ hai ý kiến để thấy rằng thế giới nghệ thuật của một tác phẩm được tạo lập từ cá tính sáng tạo riêng của người nghệ sĩ nhưng cũng in đậm dấu ấn phong cách thời đại mà nó ra đời.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay là một đề thi hay, phù hợp với mục đích lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Ở góc độ "bếp núc", từ suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng cách ra đề năm nay nhìn chung vẫn theo hướng cũ là đưa ra những ý kiến và yêu cầu học sinh bình luận những ý kiến đó, chưa thực sự có những thay đổi mang tính đột phá.

Kiến thức yêu cầu học sinh trình bầy vẫn còn nặng tính hàn lâm. Học sinh vẫn phải phụ thuộc nhiều vào kiến thức sách vở, ít nhiều bị gò ép theo bài giảng của thầy cô giáo trong những chuyên đề luyện thi học sinh giỏi để có thể trả lời đúng và đầy đủ. Do đó, suy nghĩ, cảm xúc cá nhân của từng học sinh sẽ không thể được thăng hoa hết chiều kích.

Tôi vẫn mong muốn, chờ đợi một cách ra đề phóng khoáng, tự do hơn nữa để học sinh có cơ hội thể hiện tiếng nói bản thể của mình.

Hy vọng rằng trong những năm sắp tới, trong kì thi học sinh giỏi quốc gia THPT, học sinh sẽ được tiếp xúc với những đề văn hay và tự do hơn nữa.

Xin dẫn ra đây một vài đề Ngữ văn mà tôi nghĩ là theo hướng tự do như thế:

“Cuộc sống mang lại cho chúng ta sự hài lòng cũng như nỗi thất vọng. Hãy viết về một khoảnh khắc nào đó trong đời mà bạn trải nghiệm nỗi thất vọng, hoặc đương đầu với khó khăn hay là rơi vào một hoàn cảnh thử thách” (Đề của trường Massachussette Institute Technology, Hoa Kì).

“Nếu bạn được tham gia vào cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh, bạn hãy trình bày quan điểm của riêng mình” (Đề của PGS.TS Trần Nho Thìn)

“Một nét chấm phá về Bắc Kinh” (Đề thi của Trung Quốc)

  • Thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh (Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)

XEM THÊM: