48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng vừa tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đô thị thông minh của các Bộ, ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; tổng hợp, rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 (sau đây gọi tắt là Đề án 950)

Cụ thể, có 14/48 tỉnh thành đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950. Có 20/48 tỉnh thành phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. 16/48 tỉnh thành đang triển khai lập đề án. 

Về triển khai phát triển tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 

TP.HCM sẽ thành lập 4 trung tâm để thực hiện đề án trở thành đô thị thông minh

Việc phát triển các tiện ích thông minh đã giúp nâng cao chất lượng sống và trải nghiệm của người dân. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng... 

Về công bố công khai quy hoạch, tra cứu thông tin quy hoạch và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển đô thị thông minh: Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị đã được áp dụng tại khoảng 43 thành phố/thị xã tại các địa phương (trong số đó có 38 Sở Xây dựng địa phương). Đa số các địa phương không có cán bộ chuyên trách xử lý công việc. 

Việc công bố công khai quy hoạch đang được thực hiện ở nhiều địa phương, các dữ liệu về quy hoạch đô thị đã cho phép người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Như tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu ở 12 phường và 4 xã được công bố trên Cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt. 

Về quản lý đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ quản lý cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị, xử lý rác thải... đã được triển khai ở một số địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả khi giám sát được chất lượng môi trường. Như TP Cần Thơ, với việc thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường (01 trong 08 hệ thống thí điểm của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh), sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu về nước, chất thải, không khí, đồng thời cho phép xây dựng các mô hình cảnh báo về chất lượng môi trường với độ chính xác cao, thành phố cũng xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu về cấp nước bằng hệ thống GIS, đến nay có 2/5 đơn vị cung cấp nước sạch đô thị đang tiến hành triển khai thực hiện việc ứng dụng đồng hồ cấp nước thông minh, thanh toán tiền điện thông minh và triển khai quản lỹ dữ liệu hệ thống cấp nước bằng phần mềm GIS và trên điện thoại.

Hệ thống chiếu sáng thông minh được áp dụng tại một số địa phương đem lại hiệu quả tiết kiệm kinh phí. Như tại TP Đà Lạt, việc đầu tư, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng, tiên tiến trong quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng trên địa bàn.

Việc ứng dụng công nghệ BIM đã được các chủ đầu tư thực hiện rộng rãi, giúp giảm chi phí cho 100% các dự án, tiết kiệm chi phí xây dựng, tiết kiệm vật liệu so với không áp dụng BIM.

Việc đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm (Trung tâm IOC) đã được triển khai tại 50 tỉnh thành với quy mô triển khai ở cấp tỉnh hoặc cấp đô thị, một số địa phương triển khai ở cả hai cấp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững

Đánh giá chung, từ 2020 tới nay, trên địa bàn cả nước chưa có biến động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, các Dự án được đề xuất tại một số tỉnh thành (Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng), tuy nhiên chủ yếu cũng mới đang ở bước ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết dự án hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất như: Dự án đầu tư “Thành phố thông minh” tại huyện Đông Anh, Hà Nội (Quyết định chủ trương đầu tư số 3003/QĐ-UBND ngày 16/6/2018; tổ chức lễ động thổ và công bố dự án ngày 06/10/2019) với quy mô khoảng 271,45 ha; Dự án Khu công viên phần mềm tại huyện Đông Anh, Hà Nội với quy mô 78,14 ha.

Về cơ bản, việc đề xuất các khu đô thị thông minh và triển khai của một số nhà đầu tư còn gặp khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách đầu tư, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh dẫn tới băn khoăn, lúng túng của nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh bền vững trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững. Thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời.

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo phát triển đô thị thông minh bền vững đã được xác định tại Quyết định số 950/QĐ-TTg. Phát triển đô thị thông minh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Quyết tâm xây dựng đô thị thông minh phải được khẳng định trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị.

Cần có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần đô thị thông minh có thể kết nối với nhau thành một tổng thể đô thị thông minh bền vững. Cần coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành.

Các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường... Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị. Việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào.

Hoài Thanh, Ngọc Ánh, Công Sáng