Sáng 21/12, tại hội nghị được Phòng ngừa vi phạm tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam, do Bộ Công an tổ chức, ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã thông tin về công tác phòng chống rửa tiền.  

Theo ông Phạm Tiên Phong, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển khai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng ngăn ngừa hành vi rửa tiền, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán trên không gian mạng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an trao đổi thông tin, kịp thời xử lý nhiều vụ việc.

Từ tiền ảo thành tiền "sạch"

Theo đó, ông Phong cho biết một số hành vi, thủ đoạn phạm tội nổi cộm, tội phạm phổ biến hiện nay gồm một số hình thức như: Lợi dụng không gian mạng để phạm tội như (tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới các hình thức cá độ thể thao, lô đề online; game bài đổi thưởng).

Qua phân tích các báo cáo giao dịch đáng ngờ, có thể thấy phương thức phạm tội đối với hoạt động đánh bạc trực tuyến trái phép gồm: Thông qua việc chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân với nhau, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; tài khoản phát sinh nhiều giao dịch chuyển khoản qua internet Banking, tần suất lớn trong ngày với nội dung là một đoạn mã, ký tự, dãy số...

Bên cạnh đó, thủ đoạn nổi cộm được nhận diện là đối tượng là người Việt Nam liên kết, móc nối với các đối tượng ở nước ngoài sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Sau khi nhận được tiền của bị hại do lừa đảo và có qua tài khoản ngân hàng, đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt. Tiền ảo có thể là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch".

{keywords}
Cục trưởng Phạm Tiên Phong phát biểu tham luận tại hội nghị

Đặc biệt, trong quá trình kiểm soát mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, các ngân hàng thương mại đã phát hiện một số hành vi mạo danh, gian lận hoặc dấu hiệu bất thường như: Mạo danh, làm giả, chỉnh sửa thông tin giấy tờ tùy thân;

Khách hàng mở tài khoản thanh toán không phải thực thể sống do sử dụng hình ảnh tĩnh, hình ảnh qua các phần mềm chỉnh sửa khuôn mặt, sử dụng video cắt ghép, mạo danh khuôn mặt (deepfake) hoặc sử dụng mặt nạ 3D, chiếm đoạt thông tin đăng nhập, xác thực và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng: nhiều giấy tờ tùy thân cùng 1 ảnh chân dung nhưng khác thông tin...

Về rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo, ông Phong khẳng định, quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật.

Hàng trăm báo cáo giao dịch đáng ngờ

Theo ông Phạm Tiên Phong, qua việc thu thập, phân tích và xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ, từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 427 báo cáo giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu liên quan đến hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc với số lượng các cá nhân có liên quan.

Cũng trong giai đoạn này, Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) tiếp nhận hàng trăm giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động chuyển tiền quốc tế ra/vào Việt Nam.

Trước tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng vào hoạt động tội phạm, rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài; về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán và phòng, chống rửa tiền trong hoạt động thanh toán trên không gian mạng.

Đặc biệt, trong hoạt động phòng chống rửa tiền, ông Phong cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn đã có quy định chi tiết về các trường hợp phải thực hiện các biện pháp nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị do Bộ Công an tổ chức

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải thu thập xác minh nhận biết khách hàng, qua đó nhận biết, xác minh và giám sát, khi có nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý về tài sản giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan đến rửa tiền, ngân hàng có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước. 

Luật Phòng chống rửa tiền và các văn bản liên quan quy định về trách nhiệm báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, có dấu hiệu đáng ngờ. 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong phòng chống tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố, Cục trưởng Phạm Tiên Phòng cũng nhìn nhận hiện nay còn tồn tại một số nguyên nhân cản trở hoạt động phòng chống rửa tiền. 

Đầu tiên là pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa có quy định cụ thể nhằm đấu tranh chống tội phạm an ninh mạng lạm dụng rửa tiền đối với một số loại hình như cung ứng dịch vụ chuyển tiền không chính thức; dịch vụ cho vay trực tuyến, dịch vụ kinh doanh tiền ảo...

Ngoài ra, chế tài xử lý hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Công tác phòng, chống rửa tiền tại một số tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán còn chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.  Các đối tượng báo cáo (ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán) chưa có đầy đủ thông tin về tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bất hợp pháp như đánh bạc, rửa tiền... để thực hiện các biện pháp ngăn chặn. 

Từ đó, ông Phạm Tiên Phong nêu nhóm giải pháp gồm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; sửa đổi các quy định, chế tài xử phạt; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành chủ chốt gồm các Bộ Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước, VKSND Tối cao, TAND Tối cao; đặc biệt là cơ quan điều tra để lần theo dòng tiền kịp thời phát hiện, phòng chống các tội phạm.

Đoàn Bổng

Phan Sào Nam không thuộc đối tượng đặc xá năm 2021

Phan Sào Nam không thuộc đối tượng đặc xá năm 2021

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trường hợp Phan Sào Nam, người bị kết án trong vụ tổ chức đánh bạc và rửa tiền không thuộc đối tượng đặc xá trong đợt này.