Tại xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), nghề đi rừng vốn là nghề chính đối với bà con đồng bào dân tộc. Bên cạnh những loại cây gỗ như keo, mỡ, cây bồ đề cũng là một loại cây rừng được trồng. Tuy nhiên, gỗ cây bồ đề vốn chỉ được xếp là cây lâm sản hạng 8, xếp vào loại gỗ tạp, không có giá trị cao nên chỉ dùng để làm đũa, làm giấy…
Từ năm 2017, dự án phát triển trồng cây bồ đề lấy nhựa đã được triển khai thí điểm tại huyện Văn Bàn. Kể từ khi dự án được triển khai, một luồng gió mới đã được mang đến với người dân đồng bào và đưa theo nguồn thu nhập mới.
Theo tính toán của các ngành chuyên môn, nếu khai thác đúng kỹ thuật, 1 cây bồ đề có thể cho khoảng 500-700 gram nhựa/năm, 1 ha cây bồ đề có thể cho thu hoạch khoảng 300 kg nhựa. Cây bồ đề cho thu hoạch nhựa có độ tuổi từ 7-8 năm trở lên. Chất lượng nhựa bồ đề tại Văn Bàn được doanh nghiệp thu mua đánh giá cao, giá thu mua hiện nay là 350.000 đồng/kg.
Như vậy, với 1 ha cây bồ đề, ngoài thu hoạch gỗ thì mỗi năm người dân có thể thu nhập thêm 100 triệu đồng từ khai thác nhựa. Với tiềm năng đó, nhựa cây bồ đề được người dân ở đây coi là "vàng trắng", "lộc phật" giúp người vùng cao cải thiện và có thêm nguồn thu lớn.
Cây bồ đề là loại cây sinh trưởng khá mạnh, cây đạt độ cao và độ tuổi đủ để khai thác nhựa khi trên 6 năm tuổi. Để khai thác nhựa trên những gốc cây cao chót vót, các "người nhện" phải nai nịt gọn gàng, chuẩn bị kĩ càng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất nhằm thu hái "lộc Phật" trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Hiện toàn huyện Văn Bàn có diện tích rừng trên 111 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,41%, chủ yếu là rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng Bồ đề là trên 480ha. Đây được coi là “vàng trắng”, “lộc Phật” với người dân vùng cao.
Trong chuyến đi săn hái “lộc phật”, gia đình gồm cả vợ chồng đều đi cùng nhau để hỗ trợ. Người vợ sẽ phát quang đường, giúp chồng cầm theo đồ bảo hộ, việc trèo leo thu hái sẽ do người chồng đảm nhận |
Trước đây, cây bồ đề chỉ được coi là loại gỗ tạp với giá trị kinh tế chỉ bằng 1/10 so với gỗ keo. Người dân thường chỉ khai thác để phục vụ cho làm đũa, làm giấy… Từ năm 2017 đến nay, để có nguồn nguyên liệu và tạo điều kiện tăng thêm thu nhập từ rừng cho nhân dân, một doanh nghiệp đã tổ chức khai thác, thu mua nhựa Bồ đề xuất cánh kiến trắng, hỗ trợ người dân vùng trồng nguyên liệu, tạo nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng hàng năm cho người dân. |
Nhựa cây bồ đề thường nhiều nhất và có chất lượng tốt nhất là ở trên gần ngọn cây. Vì thế, để có thể khai thác, người dân phải chuẩn bị các dụng cụ chuyên biệt với giày móc, dây đai… để leo lên các ngọn cây cao chót vót. |
Anh Triệu Kim Chu (Thôn Vàng Mầu, xã Nậm Kha, huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã có nhiều năm gắn bó với nghề rừng, anh đã chuyển đổi sang trồng và thu hoạch nhựa cây bồ đề khoảng 2 năm nay và đang cho kết quả khả quan. |
Nhựa cây Bồ đề là sản phẩm từ cây Bồ đề còn được gọi là nhựa cánh kiến trắng, loại này có tác dụng kháng khuẩn in vitro trên một số vi khuẩn thông thường và có tác dụng lợi đờm, nhựa còn dùng làm thuốc chữa viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, ho đau bụng, lạnh…ngoài ra nhựa cánh kiến trắng dùng làm chữa vết thương mau lành, xua đuổi côn trùng. |
Nhựa cánh kiến trắng có nhiều chất hương nên còn được dùng nhiều trong hóa mỹ phẩm và công nghiệp thực phẩm. Hiện nay rất nhiều Công ty, tập đoàn trên thế giới đã quan tâm đến loại nhựa này, và đã bắt đầu thu mua, chế biến làm nước hoa cao cấp.
Theo tính toán của các ngành chuyên môn, nếu khai thác đúng kỹ thuật, 1 cây bồ đề có thể cho khoảng 500-700 gram nhựa/năm, 1 ha cây bồ đề có thể cho thu hoạch khoảng 300 kg nhựa. Cây bồ đề cho thu hoạch nhựa có độ tuổi từ 7-8 năm trở lên.
Nhựa cây bồ đề sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, đóng gói theo quy chuẩn và xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng ở xuất khẩu sản phẩm thô chứ chưa thể sản xuất sản phẩm tinh.
Nhựa cây bồ đề, “lộc Phật”, “vàng trắng” đang đem lại triển vọng mới về nguồn thu nhập cho người dân đồng bào vùng cao trên dãy Hoàng Liên Sơn.
(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)