Số lượng smartphone mới ra mắt ngày nay có thể tính bằng chu kỳ mỗi tháng, người thường bẵng đi chút thôi hẳn sẽ không thể bắt kịp và thuộc tên những tên tuổi mới xuất hiện. Vì vậy, nhu cầu trao đổi và nâng cấp smartphone mới cũng dồi dào đáng kể so với trước, bao gồm cả chuyện tìm nơi bán lại những chiếc smartphone cũ, kiếm thêm chút lời bù vào hàng mới. Đôi khi, đó cũng là việc khá khó nhằn khi không tìm ra ai có ý định mua chúng về sử dụng do tâm lý chỉ thích tìm hàng mới.
Đó là lý do để ecoATM ra đời, tạo nên các máy ATM nhưng không phải để rút tiền ngân hàng như thường, mà sẽ tự động mua lại những chiếc smartphone cũ mà bạn không dùng đến. Bất kể tình trạng ra sao, kể cả khi chúng không còn giá trị sử dụng hay chẳng thể bật nổi nguồn, các cây ecoATM vẫn sẽ để lại cho bạn chút tiền "ve chai" để an ủi tinh thần cho khổ chủ.
Thế nhưng, cách hoạt động của ecoATM thực sự máy móc đến độ dở khóc dở cười, đôi khi chỉ muốn... dọa cho khách sợ bỏ chạy không một lần quay lại. Đó là những gì được miêu tả trong video cách đây không lâu trên fanpage Ladbible, kể lại hành trình dùng thử ecoATM của một anh chàng đầy hài hước:
Trước tiên, một chiếc iPhone XS Max vỡ mặt lưng nhưng vẫn hoạt động bình thường được đem ra thử.
Mọi thứ không có gì đáng phàn nàn ngoại trừ mặt lưng hơi "nát".
Một vài bước chọn đặc điểm của máy ban đầu.
Mức giá cuối cùng được đưa ra là 120 USD.
Tiếp đến, thêm một thí sinh iPhone XS Max khác bị sự cố cháy đen sì do tai nạn.
Nhin qua là đủ hiểu chắc chắn số phận này sẽ kết thúc ở một bãi phế thải không hơn không kém.
Bất ngờ thay, mức giá được đưa ra là 160 USD dù chủ nhân đã cố tình khai "không thể sử dụng" trong mục thông tin liên quan để định giá.
Trùm cuối mang tên iPhone 6 "độ" vỏ vàng nguyên chất, dù đã bỏ xó nhưng hứa hẹn sẽ bù lại ít vốn cho khổ chủ..
Mặt lưng được tân trang rất sang chảnh, chắc chắn thể hiện thần thái không phải dạng vừa đâu vào thời điểm 5 năm trước.
Và cái kết... chán không buồn nói.
Thực ra, những diễn biến kết quả như trên cũng không quá khó hiểu khi hệ thống của ecoATM chưa được thiết kế tối ưu để nhận diện, đánh giá chất lượng sản phẩm được trình ra. Việc xác định trị giá dựa vào những thay đổi chủ ý như mạ vàng và định giá là gần như bất khả thi nếu không có sự chứng kiến của con người. Ngoài ra, có thể thấy giá trị số tiền quy đổi cũng phụ thuộc rất nhiều vào cái mác bên ngoài, liên quan tới độ mới của phiên bản smartphone.
Được biết, ecoATM sinh ra để trở thành một giải pháp chống lại sự lãng phí tài nguyên điện tử khi bị bỏ đi một cách vô ích. Hàng trăm triệu chiếc smartphone bị lãng quên và mắc kẹt ở ngăn tủ nào đó trong mỗi gia đình, thậm chí không có cơ hội được đem nộp lại tái chế đúng cách mà kết thúc ở một bãi phế thải. Rất nhiều nguyên tố và chất liệu từ smartphone có thể được tận dụng lại như nhôm, vàng, hoặc cần qua quá trình xử lý trước khi thải ra môi trường như chì, thuỷ ngân,...
Về cách hoạt động của ecoATM, chúng có một camera tích hợp có thể tạm thời đánh giá sơ qua ngoại hình chung của thiết bị, đồng thời đọc mã nhãn dán gắn ở mặt lưng để ghi nhớ số hiệu sản phẩm theo từng phiên bản. Nghe có vẻ khó tin nhưng trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng để giúp các tiến trình xử lý thông tin trở nên nhanh và thông minh hơn (dù không quá lanh lợi như chúng ta thấy bên trên...).