Ghi nhận những kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương của Ban Chỉ đạo là tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới từ cơ sở đến cấp Trung ương và trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương, trong đó có Thái Nguyên, đã triển khai tốt công tác này.
“Thủ đô gió ngàn” nỗ lực đạt các tiêu chí nông thôn mới |
Theo Phó Thủ tướng, quá trình tổng kết bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần giúp Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện chính sách, nhất là các chính sách về huy động vốn đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng khoa học - công nghệ,… ngay trong nhiệm kỳ này để cả nước tiếp tục triển khai các chính sách bổ sung mới ngay khi bước vào giai đoạn 2021- 2025.
Với Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến gió ngàn, ông đánh giá việc xây dựng nông thôn mới còn có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã cưu mang cách mạng trong những ngày trường kỳ kháng chiến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng tổng kết, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 88 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 61,5%; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 101 xã (chiếm 70% số xã nông thôn); bình quân các xã nông thôn đạt 16,5 tiêu chí nông thôn mới /xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010; không còn xã có dưới 6 tiêu chí nông thôn mới...
Hiện 100% các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới được 420 km kênh mương thủy lợi do xã quản lý; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300 km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia.
Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, Thái Nguyên đã xóa được hơn 2.200 nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,4%; hàng năm, tạo việc làm tăng thêm cho trên 15.000 người...
Các huyện, thành, thị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh huy động các nguồn vốn đạt trên 21.300 tỷ đồng... Tuy vậy, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: Nông thôn phát triển chưa đồng đều, hiện còn 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí, chất lượng một vài tiêu chí ở một số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa cao.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện trở lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2%/năm trở lên...
Ở giai đoạn 2010 - 2015, địa phương tập trung tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho các xã. Sang giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên chuyển hướng tập trung phát triển các vấn đề cốt lõi của nông thôn mới là phát triển sản xuất và đời sống người dân. Nhờ đó, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông sản (chè, rau, củ, quả,…), ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bài: Lê Diệu Thúy - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV