Bội chi NSNN năm 2023 ước khoảng 4% GDP; nợ công khoảng 39 - 40%GDP; nợ Chính phủ khoảng 36 - 37% GDP; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 37 - 38% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu NSNN. Các chỉ tiêu này đều thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội, giới hạn tương ứng đến năm 2025 là không quá 60% GDP, 50% GDP và 25% tổng thu NSNN; ngưỡng cảnh báo tương ứng là 55% GDP, 45% GDP.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023 ước ở mức 3,6% GDP, bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 03 năm qua được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

ngan sach.jpeg
Dự toán thu NSNN 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm… Đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách.

Tới đây, chính sách tài khóa tiếp tục thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Dự toán thu NSNN 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển. Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí...

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraina gay gắt, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. 

Từ đó, nợ công toàn cầu cũng tăng mạnh. Theo Báo cáo tháng 7/2023 của Liên Hợp quốc, nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục 92 nghìn tỷ USD, 59 quốc gia đối mặt với mức nợ cao, 52 quốc gia đang tiến gần đến vỡ nợ.

Trong bối cảnh đó, trường hợp của nước ta là khá tích cực.

Các giải pháp tới đây sẽ tiếp tục tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép.

Cần nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và tiếp tục nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán.

Hoàng Tư Giang, Lê Thị Na, Trần Quang Ninh, Lê Bích Thủy