Xem clip:

Mùa nước nổi là một trong những thời điểm có khung cảnh thiên nhiên nên thơ, độc đáo nhất của miền Tây. Đây cũng chính là mùa nở rộ các loại bông súng trên khắp vùng sông nước. Đặt chân đến khu vực biên giới An Giang thời điểm này, không khó để bắt gặp hình ảnh bà con nông dân chèo xuồng thu hoạch bông súng, loại rau “đặc sản” mọc hoang dại khắp nơi, từ sông rạch, đồng ruộng tới bàu nước trũng.
Ông Chau Cương (47 tuổi, ngụ huyện Tri Tôn) cho biết, mùa khô, củ súng ẩn sâu, vùi mình dưới đất chờ con nước về mới hồi sinh. Chính vì vậy, bà con đặt cho cái tên “súng ma”.
“Bông súng chỉ có nhiều vào mùa nước nổi. Loài cây này vươn lên theo nước lũ, nước càng dâng thì cuống lá, cọng càng dài. Thông thường nước lũ ngập trên cánh đồng khoảng 2-3m thì cọng bông súng cũng vươn mình theo tới đó”, ông Cương cho hay.
Để thu hoạch bông súng, người dân phải dậy từ rất sớm, đeo đèn pin hái bông từ 3h sáng để 7h kịp cân cho thương lái. 
Bông súng sau khi được hái lên buộc thành từng bó, mỗi bó khoảng 40 bông, bán cho thương lái 6.000-7.000 đồng/bó, trung bình mỗi ngày kiếm được 100.000-200.000 đồng.
Công việc tuy vất vả nhưng là mơ ước của người dân nghèo nơi biên giới. Bởi với công việc này, bà con không cần phải tốn kém tiền bạc đầu tư mua sắm dụng cụ, đơn giản chỉ là chiếc thuyền ba lá nhỏ là có thể hành nghề.

Ông Lê Châu Thanh (52 tuổi, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), chủ một cơ sở thu mua, chia sẻ, bông súng rất khó bảo quản nên khi vừa lên bờ phải nhập ngay cho các tiểu thương ở TP. Long Xuyên. Giá bông súng dao động từ 9.000-11.000 đồng/bó. Bông sau đó được cắt thành từng khúc, đóng thành túi khoảng 2kg.
Bông súng là một loại rau đồng miền Tây quen thuộc, thường góp mặt trong nhiều món ăn như bông súng mắm kho, canh chua bông súng, bông súng chấm cá kho, gỏi bông súng. Bông súng cũng có thể làm rau xào, luộc, làm lẩu, muối chua...