Tại phiên chất vấn đầu tháng 6 vừa qua, các đại biểu đồng tình cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực và một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm đạt mục tiêu tích hợp các chính sách thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo đủ nguồn lực tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các vùng khó khăn nhất trong các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển bền vững và phát huy nội lực, lợi thế, tiềm năng của từng vùng và tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn những bất cập, hạn chế. Hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách chưa đầy đủ, thống nhất, triển khai chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách. Đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, chịu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
Từ những đánh giá trên, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ rõ, tại Báo cáo số 874 ngày 30/5/2023 của Ủy ban Dân tộc có nêu một vấn đề là một số địa phương chưa phát huy hết các thế mạnh của mình để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề đầu tư và thu hút các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, nhất là vấn đề đầu tư về các cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có hạ tầng giao thông để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì, doanh nghiệp đầu tư thì người ta buộc phải có lợi nhuận mà đầu tư vào đây rất khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết với những khó khăn như thế thì thời gian tới Bộ trưởng có những giải pháp nào để thực hiện và thu hút được đầu tư của doanh nghiệp vào vùng này để giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con vùng đồng dân tộc thiểu số miền núi?
Cùng mối quan tâm về việc tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, qua đợt khảo sát trước Kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy vẫn còn vướng mắc tại Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở; Tiểu dự án 2 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tiểu dự án 1 của Dự án 9 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khăn đặc thù, v.v..
Từ những băn khoăn trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện của chương trình hiện nay là như thế nào? Giải pháp khắc phục những vướng mắc, nhất là về quy trình, thủ tục của các dự án và một số nhiệm vụ, chỉ tiêu hiện chưa phù hợp với thực tiễn của các địa phương?
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các địa phương chưa phát huy hết nguồn lực của mình. Đây là một vấn đề thực trạng. Bởi vì trong thực tế vừa qua, trong nghị quyết của Quốc hội đã quy định và thực tiễn triển khai xây dựng chương trình mục tiêu cũng cho thấy hai điểm: một là, các địa phương có nguồn vốn đối ứng; hai là, cần huy động, phát huy các nguồn lực ở địa phương để đóng góp thêm vào chương trình.
Bộ trưởng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, số các địa phương có bố trí nguồn vốn đối ứng chiếm tỷ lệ đang thấp. Còn không thể phủ nhận rằng, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho các địa phương rất khó khăn. Bởi vì các doanh nghiệp bây giờ đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa nói là vấn đề về tiền, mà nếu đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần rất nhiều điều kiện, bởi vì phải có phát sinh lợi nhuận, phải có lợi ích các bên. Nhưng trong thực tế hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng rất khó khăn về đường sá, về hạ tầng giao thông đi lại, các điều kiện để phát sinh lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh là những những điều khó. Chưa kể đến vấn đề cơ chế, chính sách ở mỗi địa phương khác nhau. Chính vì thế nên các địa phương chưa tiếp cận được vấn đề đầu tư của doanh nghiệp.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở các quy định của pháp luật, mong muốn các địa phương sẽ xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đây. Đặc biệt là chính sách tín dụng, chính sách tiếp cận đất đai, nhất là sau khi Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua. Chúng ta phải hiểu rằng, cần phải loại bỏ những cản trở, những cái khó nhất mà doanh nghiệp muốn vào các địa phương cần có; tạo những điều kiện cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, mặc dù đã có rồi nhưng chưa đủ mạnh, đây là trách nhiệm thuộc về các địa phương.
Theo Bộ trưởng, trên thực tiễn ở các địa phương cũng đã đang triển khai những chính sách này để thu hút đầu tư vào vùng. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, cho nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh. Mong muốn các địa phương bám sát vào các chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư ở vùng này, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý chương trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, để khảo sát, đánh giá trong thời gian tới và đề xuất với các cấp có thẩm quyền có những chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng thêm nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới.