Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng 9, quý 3 và 9 tháng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó có một số kết quả nổi bật như: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73% trong khi chịu sức ép lạm phát thế giới rất cao; tỉ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, có mặt được cải thiện hơn…
Cùng với đó là an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên. Từ tháng 7/2021 đến nay, 85.000 tỷ đồng chi hỗ trợ cho trên 55 triệu lượt người và gần 856.000 người sử dụng lao động gặp khó khăn theo các Nghị quyết số 68, 126, 116 của Chính phủ.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, 83,2% số hộ dân có thu nhập tăng hoặc không đổi so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; lực lượng lao động tăng (9 tháng là 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu so với cùng kỳ).
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã giải ngân đạt gần 60,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội 10.411 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà 3.545 tỷ đồng cho hơn 5 triệu lao động; giảm thuế, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất 39.422 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất cho khoảng 9.800 tỷ đồng dư nợ tín dụng, với số tiền là 13,5 tỷ đồng; đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án.
Nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, quý 4 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích”. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với đó là kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…
Người đứng đầu Chính phủ phân tích thêm một số yếu tố tác động tới Việt Nam như cạnh tranh chiến lược, chính sách phòng, chống dịch, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Đồng USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có đồng tiền của Việt Nam, tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực tới nhập khẩu.
Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, các địa phương cùng vào cuộc, động viên các doanh nghiệp trong nước tham gia, phối hợp với các doanh nghiệp FDI để cùng làm việc này.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý 3/2022 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 126 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng. Tính chung 9 tháng năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 805 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. |