Chị Trần Thu Hà, tiểu thương chợ sáng Mai Lĩnh, Đồng Mai (Hà Nội) chia sẻ, quê chị ở Lạng Sơn nên trồng rất nhiều cây dọc. Vì thế, cứ vào mùa, chúng lại cho quả trĩu cành. Ăn không hết, nhà chị thường thu hái đem ra chợ bán. 

“Khi chưa có dịch Covid-19, nhà mình thường bán 50.000-60.000 đồng/kg dọc đầu mùa. Năm nay dịch bệnh nên giá dọc giảm chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg. Thậm chí, những trái dọc cuối mùa này nhỏ hơn một chút, giá chỉ còn 20.000 đồng/kg. Vì loại quả này có vị chua hệt như sấu, me nên nhiều người ưa thích mua về nấu canh chua”, chị nói.

Người phụ nữ này cho biết, trái dọc có hình cầu, thường cho quả từ mùa hè và kéo dài tới đầu thu. Tuy cuối vụ, quả có nhỏ hơn chút nhưng trái lại già hơn, ăn chua và thơm hơn nhiều.

{keywords}
Mùa quả dọc thường bắt đầu từ mùa hạ kéo dài đến đầu thu

“Rất nhiều khách thích ăn những trái dọc cuối vụ. Dù quả bé nhưng già nên ăn thơm hơn hẳn. Quả này có vị chua thanh nên nấu canh cá rất thanh mát, ngon miệng. Với nhiều người, đây là nguyên liệu không thể thiếu của những nồi canh chua cá, nếu không có thì mất đi vị chua đặc trưng mà sấu với me cũng không sánh được”, chị Hà nhận xét.

Theo chị Hà, loại quả này khó tính và bảo quản cầu kỳ hơn sấu rất nhiều. Do đó, khi vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội hay từ nhà ra chợ, chị luôn phải nhắc mọi người nhẹ tay nếu không quả sẽ dễ bầm dập.

Ngoài ra, sau khi mua về, cần bớt chút thời gian nướng càng sớm càng tốt. Khi nướng vỏ ngả sang màu vàng, bóc vỏ bên ngoài và rửa sạch lần nữa mới cấp đông. Hoặc, có thể gọt vỏ rồi bỏ vào ngăn đá luôn cũng được. Nhưng tuyệt đối tránh vứt hay để lăn lóc ở nơi nhiều ánh nắng, quả nhanh bị hỏng.

Mỗi ngày, chị Hà bán online và bán tại chợ được khoảng nửa tạ dọc. Các bà nội trợ thường đặt khoảng 3-5kg về ăn dần, hoặc có những nhà hàng đặt mua 10-20kg. Do chỉ có theo mùa nên khoảng nửa tháng nữa, khi mùa dọc đã hết, khách muốn ăn hay muốn mua cũng không có.

Chị Trần Thị Hải ở Hà Đông (Hà Nội) những ngày cuối hè, đầu thu luôn nhắc bản thân phải nhớ đặt mua 5kg dọc về để tủ lạnh nấu canh ăn dần quanh năm.

{keywords}
Những trái dọc rất dễ bầm dập nên phải nhẹ tay khi vận chuyển
{keywords}
Những quả dọc già vị thơm ngon hơn quả dọc non

Chị chia sẻ, dù chợ có nhiều loại quả chua để nấu canh như sấu, me,... song năm nào chị cũng phải mua quả dọc cất trữ. Loại quả này khi nấu canh chua cá rất hợp vị, cả nhà chị đều thích.

“Canh chua trái dọc ngon nhất là phải nấu với cá lóc, chút nghệ, rau ngò ôm. Mình chỉ cần ướp cá với chút nghệ, chút gia vị để cá ngấm đều. Trong lúc chờ cá ngấm gia vị, đun sôi trái dọc với nước, giấm bỗng. Kế đó, dầm trái dọc ra cho vị chua thấm đều, rồi bỏ cá và cà chua đã xắt sẵn vào, tiếp tục cho lên bếp đun sôi và nêm nếm gia vị cho vừa miệng. 

Khi nồi canh sôi, thả rau ngổ, ngò gai đã xắt nhỏ vào nồi canh là sẽ dậy mùi thơm của dọc và giấm bỗng. Nhà mình ai cũng thích ăn canh chua cá lóc nấu kiểu này, vì bát canh trông rất bắt mắt với màu vàng của nghệ, màu đỏ từ cà chua, màu xanh của rau ngò gai. Khi ăn thường ăn kèm vài lát ớt nữa thì ngon tuyệt”, chị Hải tấm tắc.

Ngoài nấu canh chua cá, chị Hải còn dùng dọc nấu canh chua bình thường thay sấu, me.

Chị nói: “Mình thích nhất dọc cuối mùa. Bởi khi đó, quả sẽ già, vỏ chuyển từ màu xanh nhạt sang màu xanh sẫm và cứng. Quả nào quả nấy đều chín già nên vị chua lúc này sẽ ngon hơn hẳn quả non. Mua về, mình nướng lên rồi bóc vỏ và hút chân không, cất ngăn đá ăn quanh năm. Ngại nướng thì mình thái nhỏ, phơi khô và cất dùng dần. Làm cách này bảo quản được lâu lắm, song hương vị không thể ngon bằng quả dọc tươi”.

Thảo Nguyên

Đặc sản Hà Nội ngày cuối mùa, khách tranh mua ăn dè đến sang năm

Đặc sản Hà Nội ngày cuối mùa, khách tranh mua ăn dè đến sang năm

Nếu tháng cuối tháng 5 đầu tháng 6, chị em háo hức đợi mua sấu non đầu mùa thì từ cuối tháng 8, khi thời tiết sang thu, nhiều người lại đặt mua sấu chín cuối vụ về ngâm mặn ngọt.