Xù xì từ ngoài vào trong
Mặc dù cây quách xuất hiện ở khắp nơi từ Bắc vào Nam, nhưng vẫn có rất nhiều người chưa biết về loại quả này. Quách thường mọc nhiều ở một số tỉnh thành miền Tây như Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp.
Thứ quả xù xì, xấu xí, mọc dại ở miền Tây mà thực khách "thử là nghiện"
Đặc biệt tại Trà Vinh, trái quách được xem như một loại đặc sản. Vào mùa quách, khi tới Trà Vinh, du khách không khó để bắt gặp những rổ quách được treo bán trước cổng nhà hay hình ảnh các cô, các bà đèo quách ra chợ bán.
Trước đây, cây quách thường được trồng nhiều ở khu vực có người Khmer sinh sống. Ban đầu, quách chủ yếu mọc tự nhiên. Sau này, người dân mới đem quách về trồng để lấy trái, làm cây che bóng mát.
Trái quách ở nhiều nơi còn được gọi là trái gáo, có lẽ bởi hình dạng tròn, hao hao giống gáo dừa khô. Trung bình mỗi cây quách sẽ cao khoảng 5-7m. Trồng sau khoảng 4 năm cây sẽ cho trái, trồng càng lâu trái càng sum suê.
Vỏ bên ngoài của quách nhám, xù xì và loang lổ, có màu trắng xám, khi chín ruột màu đen, bên trong có gân sần sùi và nhiều hạt nhỏ như hột dưa hấu. Mùa quách chín là từ tháng 10 âm lịch cho đến ra giêng.
Loại quả này khi chín mùi sẽ tự rụng nên người trồng không phải cất công trèo hái. Vì vốn dĩ có vỏ dày và cứng nên khi rụng vỏ quách cũng không bị vỡ ra.
Mặc dù mang một vẻ bề ngoài không mấy bắt mắt và bóng bẩy như nhiều loại hoa quả khác nhưng đổi lại quách lại có một mùi thơm quyến rũ và đặc trưng, dễ gây nghiện ngay từ lần đầu ăn thử.
Tất nhiên cũng có người không thích mùi nồng nàn của quách, cảm thấy sợ như sợ mùi sầu riêng. Quách khi còn non có thể ủ vài hôm, đến khi phần vỏ bên ngoài mốc trắng, tỏa ra mùi thơm nồng nàn là có thể thưởng thức.
Với nhiều bạn trẻ sinh ra ở miền Tây, trái quách non chấm muối ớt, cay cay chua chua là món ăn tuổi thơ quen thuộc.
"Điều bí mật" trong loại quả xấu xí, xù xì
Quách thường được thưởng thức bằng cách dùng dao để bổ đôi hoặc đập vỡ phần vỏ ra, sau đó dùng muỗng nạo sạch lấy phần ruột và chế biến thành nhiều món. Lẫn trong ruột là nhiều hạt quách nhỏ, giòn giòn, có vị chua chua, ăn hạt hay không tùy theo sở thích mỗi người.
Ở thôn quê, quách được xem là thức quả giải nhiệt tuyệt vời khi mang đi dầm với đá hoặc thêm chút đường, sữa nữa là có thể tạo nên một ly sinh tố thơm ngon. Dân Trà Vinh còn có món rượu quách đặc sản, vị rượu này khá ngọt, dùng để chiêu đãi khách cũng là một cách thể sự tâm tình, hiếu khách.
Tới Trà Vinh, nhiều du khách bất ngờ khi được thưởng thức món sinh tố quách
Với người miền Nam, ruột quách còn được dùng làm nhân cuốn cùng các loại rau sống, kèm thêm lát khế chua hay miếng chuối chát chấm vào các loại mắm sền sệt như mắm cá sặc, cá chốt hay cá chẽn là mê hết sẩy. Vị chua của quách hòa quyện cùng vị cay, ngọt của mắm tuy dân dã nhưng đậm đà chất Nam Bộ.
Chị Nguyễn Tuyết Hạnh (28 tuổi, Bến Tre) chia sẻ: “Cây quách nhà mẹ chồng mình trồng cách đây cũng đã mấy chục năm, mùa này quách đang cho trái và rụng nhiều nên mỗi lần đi lụm là đến cả chục ký, đa phần là để dành ăn giải nhiệt hoặc đem biếu bạn bè chứ mình không bán”.
Thoạt nhìn bề ngoài có vẻ quách cũng chỉ là loại thức quả bình thường, nhưng lại ít ai biết rằng nó có vô vàn công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Từng bộ phận của cây quách đều hữu ích và có giá trị dược liệu cao.
Theo dân gian lẫn các nghiên cứu khoa học, bên cạnh công dụng giải nhiệt, quách còn có lợi cho sức khỏe tim mạch và não bộ, kiểm soát được bệnh tiểu đường và tốt cho hệ tiêu hóa như chữa táo bón, tiêu chảy, viêm phế quản, bổ thận và tăng cường gân cốt...
Bên trong ruột quách còn chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu như nước, đường, đạm, chất xơ, chất béo, các khoáng chất (canxi, phốt pho, kali, sắt), vitamin thiết yếu (A, B, B2, C)…
Loại quả xấu xí, xù xì này lại giấu bên trong nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, là nguyên liệu của nhiều món ăn dân dã, thơm ngon.
Như Khánh (Ảnh: Phương Trần)