Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận 15 xã của 4 huyện thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, tổng diện tích: 22.200ha. Hệ thực vật nơi đây hết sức phong phú, theo số liệu thống kê của các nhà khoa học thì tại Cúc Phương đã phát hiện được 2.192 loài thực vật chiếm tới 17,27% tổng số loài thực vật của Việt Nam. Trong đó có các loài cây quý hiếm như: vù hương, chò chỉ,....
Cộng đồng dân cư sống quanh Vườn quốc gia ước tính lên đến trên 70.000 người. Cúc Phương chịu một sức ép rất lớn từ phía cộng đồng dân cư đang sống trong vùng.
Xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên rừng, nhiều năm qua Vườn quốc gia Cúc Phương đã đẩy mạnh hàng loạt các biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ rừng tận gốc. Một trong những biện pháp đó là công tác tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm được chia thành 13 trạm và 1 đội cơ động, các trạm kiểm lâm này được giao bảo vệ theo các tiểu khu.
Trong quá trình tuần tra, kiểm lâm viên phải ghi chép mọi diễn biến, mọi sự thay đổi của tài nguyên rừng vào sổ “niên ký”.
Tuy nhiên, với ghi chép dựa vào kinh nghiệm của các kiểm lâm viên theo kiểu mô tả vị trí các điểm bị xâm hại, ranh giới tiểu khu... sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm kê. Vì thế tháng 6/2008, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức khóa tập huấn sử dụng máy định vị (Global Posistion System-GPS), la bàn và bản đồ. Toàn bộ trạm trưởng và kiểm lâm viên của đội cơ động, lãnh đạo Hạt có thể sử dụng những kiến thức trên trong việc tuần tra rừng của mình.
Vườn trang bị cho mỗi trạm kiểm lâm, đội cơ động 01 máy GPS, pin nạp và bộ nạp pin, la bàn và bản đồ. Đồng thời trang bị 01 bộ máy tính cài các phần mềm bản đồ trợ giúp như Mapsource, Mapinfo để quản lý số liệu được tải từ các máy GPS đã giao cho các Trạm đặt tại văn phòng Hạt Kiểm lâm. Hàng tháng trong các lần họp giao ban, các trạm chuyển máy GPS để tải toàn bộ dữ liệu đã lưu vào máy vi tính, trong đó thể hiện các tọa độ, đường đi, thời gian, ngày tháng đã tuần tra một cách rất khách quan.
Vườn yêu cầu các trạm kiểm lâm khi tuần tra phải đánh dấu tọa độ theo những nội dung các vụ xâm hại vào rừng như chặt cây, lán và dấu vết của thợ săn trong rừng, những vùng thường bị tác động thu hái cây thuốc để khoanh vùng ưu tiên tập trung bảo vệ. Kiểm lâm còn có trách nhiệm đánh dấu cây có giá trị cao, cây quý hiếm cần được bảo tồn duy trì nòi giống để cung cấp cho những nhà nghiên cứu khoa học và trạm nghiên cứu thực hiện công tác nghiên cứu về vật hậu và thu hái quả nhằm gieo ươm bảo tồn chuyển vị chúng.
Ban du lịch cũng sử dụng các tọa độ GPS của các loài chim, thú, bò sát lưỡng cư trong thực địa của lực lượng kiểm lâm để xây dựng những tuyến, điểm tham quan du lịch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái nhằm phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu để phát triển. Xây dựng bản đồ tài nguyên rừng kiểm lâm cũng lưu tọa độ của các cây có đường kính 1,3m trên 30cm và các loài động vật quan sát được trong quá trình tuần tra của mình.
Sau khi tải dữ liệu tọa độ các điểm trên từ máy GPS, Hạt Kiểm lâm sẽ xây dựng bản đồ tọa độ các cây to, cây, con quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng để đề ra các biện pháp tuần tra, bảo vệ tốt hơn. Sau một thời gian ứng dụng công nghệ mới, các trạm đã chủ động hơn, có những cải thiện đáng kể thu thập dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và quản lý, bảo vệ rừng.