Đây là câu trả lời của đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công thương) khi được hỏi rằng: "Dựa vào thông tin và hành lang pháp lý gì để thu thuế bán hàng trên Facebook?" trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ông Lê Hữu Tuấn cho biết Luật Quản lý thuế 2006 đã quy định rõ tất cả các thương nhân (là tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh thu nhập (đến mức chịu thuế hay không) đều phải kê khai và tính thuế. Còn đối với lĩnh vực thương mại điện tử thì trong nghị định 52 về TMĐT (điều 37) cũng quy định rõ người bán phải tuân thủ pháp luật về kinh doanh và pháp luật thuế. Như vậy, nghĩa vụ thuế là của tất cả mọi người làm kinh doanh.
Câu chuyện về việc bán hàng qua Facebook phải đóng thuế đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây khi lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM đã đưa ra đề xuất thu thuế hoạt động bán hàng qua Facebook. Vị này cho biết, hoạt động thương mại điện tử hiện nay rất mạnh với khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém nên cần có sự phối hợp của các ban ngành. Đặc biệt hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế. Và đề nghị UBND Thành phố làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu.
Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận nhất là trong bối cảnh các hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, đặc biệt là Facebook nở rộ như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng trong thông tư 92 (2015) quy định thuế đối với các cá nhân hoạt động thương mại kinh doanh thì có doanh thu trên 100 triệu/năm thì mới phải nộp thuế chứ không phải như các nguồn tin trên mạng xã hội hiện nay là sẽ thu thuế tất cả mọi đối tượng.
Ông Lễ Hữu Tuấn cũng cho biết việc đặt vấn đề thu thuế qua Facebook thì cách thức, lộ trình triển khai sẽ phụ thuộc vào Tổng cục thuế. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định: “Nghĩa vụ thuế là của tất cả những người làm kinh doanh. Bán hàng qua Facebook chỉ là một kênh bán hàng, đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đó”.
Trả lời ICTnews trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng cho biết cũng do môi trường mạng khác với môi trường kinh doanh truyền thống nên nếu làm không cẩn thận thì chi phí đi thu còn lớn hơn số thuế thu được, do cá nhân kinh doanh trên Facebook lên đến hàng triệu người, có thể gây phức tạp cho công tác thu thuế. Và cơ quan quản lý cần đặt ra cơ chế thuận lợi thông thoáng và hỗ trợ kinh doanh phát triển mới thu được thuế đầy đủ.
Cũng theo chia sẻ với vai trò đại diện của một cơ quan quản lý về TMĐT, ông Tuấn cho biết không chỉ với việc thu thuế mà hiện, trong các văn bản, quy định của Việt Nam chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định cụ thể liên quan đến lĩnh vực cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong lĩnh vực TMĐT.
Ông Tuấn cho biết khung pháp lý cho thương mại điện tử về cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên có nhiều vấn đề đang phát sinh ttrong quá trình hoạt động thương mại điện tử, chẳng hạn như các mô hình mới ra đời, vấn đề phát sinh trong tranh chấp thương mại điện tử hay vấn đề về khuyến mại trực tuyến.
Theo dự kiến, đến 2018 theo đúng lộ trình thì cơ quan quản lý sẽ nâng cấp Nghị định về thương mại điện tử lên thành Luật và đưa vào Luật Thương mại sửa đổi. Đặc biệt, để tháo nút khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các khuyến mại trực tuyến thì Ban soạn thảo Nghị định 37 đã được thành lập và các vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.
Các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì hiện nay Cục TMĐT Bộ Công thương chắp bút ban hành 2 quyết định 689 về chương trình TMĐT quốc gia 2014 – 2020 và quyết định 1563 của TT 8/8/2016 về kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020, đề ra các giải pháp, lộ trình để phát triển.