Quyết định táo bạo
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng sư phạm ngành Thể dục thể thao nhưng sau thời gian lận đận tìm việc, anh Phạm Ngọc Thanh (SN 1989, quê ở Yên Bái) quyết định về quê vợ ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) lập nghiệp.
Anh cho biết, trước đây anh từng có thời gian giúp người họ hàng nuôi cá tầm ở Sa Pa. Vào cuối năm 2018, khi về quê vợ chơi, anh phát hiện điều kiện khí hậu cũng như môi trường ở Quan Sơn rất hợp với nuôi cá tầm. Từ đó, anh nảy ra ý định sẽ đưa loài cá tầm này về đây để nuôi thử nghiệm.
Dù có chút kinh nghiệm nuôi cá trước đó nhưng anh Thanh vẫn quay trở lại Sa Pa học hỏi thêm một thời gian nữa. Đầu năm 2019, với hơn 1 tỷ đồng từ tiền tích góp và vay mượn, anh bắt tay vào làm mô hình.
Tận dụng nguồn nước suối dồi dào, anh cải tạo bể nuôi và xây dựng hệ thống mương nước dẫn từ suối đổ trực tiếp vào bể. Khó khăn chồng chất khi bản nằm sâu trong núi, quanh khu vực này đều là rừng, không có đường giao thông. Anh phải thuê người vác từng bao xi măng, viên gạch vào để xây dựng đường dẫn nước và cải tạo bể nuôi.
Không chỉ vậy, để đưa được cá giống về cũng là một bài toán khó bởi đây là giống cá khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao. Cuối cùng, sau nhiều tính toán kỹ lưỡng, đàn cá giống 1.000 con từ Sa Pa cũng được anh Thanh đưa về an toàn.
Khó khăn vẫn không dừng lại khi thời gian đầu thử nghiệm, cá chết nhiều khiến anh rất sốt ruột. Nhiều người khuyên anh nên dừng lại nhưng anh không bỏ cuộc.
Anh nghiên cứu kỹ thuật, học hỏi tìm tòi nguyên nhân để khắc phục, cuối cùng đã thành công. Đàn cá của anh không còn chết mà sinh trưởng nhanh.
Theo anh Thanh, điều quan trọng nhất của việc nuôi cá tầm là thiết kế ao nuôi sao cho hệ thống nước tuần hoàn, cung cấp oxy liên tục cho cá, nước từ suối chảy vào bể rồi lại từ bể chảy ra ngoài, đảm bảo nước luôn phải sạch. Nếu không cá dễ mắc bệnh và chết. Không những vậy, người nuôi cần đặc biệt chú trọng đến độ sâu của bể, độ lạnh của nước, đảm bảo nguồn thức ăn có chất lượng tốt.
Bắt đầu cho thu tiền tỷ
Thành công bước đầu, anh quyết định xây thêm bể và nhập thêm con giống. Đến lứa nuôi thứ hai thì tỷ lệ sống gần như 100%, tốc độ tăng trưởng nhanh, cá cho cân nặng khoảng 2-4 kg/con.
Hiện, trại nuôi của anh có khoảng 10 tấn cá đang chuẩn bị xuất bán. Với giá bán ra thị trường trung bình từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg, anh Thanh dự kiến thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài cá tầm, hiện anh còn nuôi thử nghiệm thêm cá hồi.
"Đầu tư loài cá này đòi hỏi vốn cũng như kỹ thuật rất cao. Khi cá còn nhỏ, tôi phải cho ăn cứ 2 tiếng một lần, cả đêm phải thức canh để cho cá ăn. Khi cá lớn lên thì tần suất ăn mới giảm xuống. Dù vất vả nhưng kết quả thu được rất khá. Hiện nay thị trường đang đón nhận rất tốt loại cá này. Tôi dự tính sang năm doanh thu có thể lên tới 10 tỷ đồng", anh Thanh nói.
Ở bản Xuân Sơn, người dân chỉ quanh năm biết đến trồng rừng và đi rừng. Anh Thanh là người đầu tiên đưa loài cá tầm về đây và nuôi thành công, mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Nhiều người dân ở đây cũng như vùng lân cận đã tìm đến để học hỏi mô hình.
Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, anh Thanh là người tiên phong nuôi cá tầm trên địa bàn huyện. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Cũng theo ông Thành, tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn huyện rất lớn bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nước lạnh quanh năm.
"Nếu tận dụng được tài nguyên này thì đây sẽ là hướng đi mới tạo thu nhập cho người dân. Song, do khó khăn nguồn vốn nên người dân chưa nhân rộng được mô hình nuôi cá nước lạnh tại đây. Địa phương rất cần có thêm những doanh nghiệp quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có này", Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết thêm.
(Theo Dân Trí)
Cá tầm Sa Pa siêu rẻ, đặc sản nữ hoàng mất giá quá nửa
Cá tầm Sapa được bán với giá từ 200.000 đồng/kg. Song thời gian gần đây, trên chợ mạng, tiểu thương rao bán cá tầm Sapa chỉ hơn 100.000 đồng/kg.