Lão nông ấy là Phạm Hữu Hiện ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp.

Tay trắng dựng cơ ngơi khang trang

Theo chân cán bộ xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, chúng tôi tìm đến nhà ông Hiện, tận mắt chứng kiến cơ ngơi khang trang mới thấy được sự cố gắng, nỗ lực của lão nông này.

Rót chén trà mời khách ông Hiện kể, ông vốn sinh trưởng trong gia đình nông dân tại cù lao An Hòa, nơi có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp cho các loại cây ăn trái.

Học hết Trung cấp nông nghiệp Long Định, ông đi làm cho đến khi đơn vị giải thể. Trong quá trình học, ông nhận thấy vùng đất quê hương cù lao An Hòa phù hợp với cây nhãn nên ông quyết tâm đưa chúng về quê.

“Trước đây, trên cù lao này bà con trồng mía, rau màu, ổi và một số ít trồng nhãn tiêu da bò chứ không trồng gì khác”, ông nhớ lại.

{keywords}
Lão nông nghèo thành tỷ phú xứ Cù Lao

Tình cờ một lần ông Hiện đi học rồi về nhà người bạn chơi. Thấy gia đình bạn trồng lúa, nhãn mà cuộc sống rất sung túc. Hỏi ra mới biết thu nhập chủ yếu của họ là từ nhãn. Từ đó ông bắt đầu chú ý đến loại cây trồng này.

Sau khi trở về nhà, ông bắt đầu chiết những nhánh nhãn lồng đầu tiên để trồng. Khi ấy, nhãn phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển tốt.

“Tuy nhiên một thời gian dài sau đó, giống nhãn này bị nhiễm bệnh. Vì thế, tôi muốn tìm giống nhãn mới phù hợp hơn. Cuối cùng, tôi đã đưa cây nhãn Ido về Việt Nam để trồng thử nghiệm”, ông nói.

Vậy nhưng khi trồng loại nhãn này, ông Hiện chưa có kinh nghiệm nên cây không ra hoa...

“Tôi nghèo nên không thể có tiền để bỏ ra mà trồng lại từ đầu. Vì thế, phải lấy ngắn nuôi dài, phải học hỏi, đọc tài liệu và kiên trì khắc phục nhược điểm của loại cây này, đó là cách duy nhất để người tay trắng như mình có thể tiếp tục duy trì” , ông Hiện tâm sự.

Ông Hiện cũng cho biết, Nhiều người thấy ông tha thiết với cây nhãn nên bảo ông khùng nhưng ông vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.

“Có người còn chỉ trích vì tôi đem giống cây ngoại lai về trồng, chẳng mang lại lợi ích gì”, ông nhớ lại.

Thất bại cứ nối tiếp nhau nhưng ông Hiện không nản lòng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, để rồi 3 năm sau, cây nhãn Ido cho bông kết trái. Những nghi kỵ ban đầu dần được xóa bỏ khi cây nhãn Ido chứng minh được hiệu quả kinh tế ở cả năng suất, chất lượng và đặc biệt là khả năng kháng bệnh.

Tháng 6-2016, UBND huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố chứng nhận giống nhãn Ido do ông Hiện nghiên cứu trở thành nhãn hiệu riêng của tỉnh với cái tên “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”.

Trăn trở với giống nhãn mới

Tuy giống nhãn Ido đã chứng minh hiệu quả kinh tế trên đất cù lao, nhưng ông Út Hiện nghĩ sẽ đến lúc giống nhãn này bộc lộ những hạn chế, do đó cần tìm một giống mới để thay thế trong tương lai.

Vậy nên, sau thành công của giống nhãn Ido, ông Hiện đã âm thầm tìm tòi để tạo ra giống mới. Năm 2019, giống nhãn Phát Tài của ông Hiện được Cục Trồng trọt cấp Bằng Bảo hộ Giống cây trồng, mở ra triển vọng phát triển cho giống nhãn đặc biệt này tại Việt Nam.

Ông Hiện kể, đây cũng là một sự tình cờ nhưng hợp lý khi ông mong muốn có giống mới khắc phục những nhược điểm của nhãn Ido. Bởi thực tế cho thấy nhãn Ido cành rất yếu, không thể chịu được gió, nhất là lúc cây cho trái, nhà vườn phải tốn thêm chi phí, công lao động để chống chỏi. Trong khi đó, tỷ lệ nhãn đạt chất lượng xuất khẩu chỉ khoảng 30%. Như vậy, sẽ có tình trạng nội địa thừa nhưng xuất khẩu thiếu, làm giảm giá nhãn Ido.

“Tôi đã nghiên cứu giống này khoảng 10 năm trước, giờ có thể đưa ra cho bà con trồng đại trà. Tôi đã tìm giống mới đáp ứng thị trường thế giới đang ngày một khó tính, giống đó phải đảm bảo ngon, sạch, chất lượng”, ông chia sẻ.

Theo ông Hiện, nhãn Phát Tài có nhiều ưu điểm so với các giống nhãn trước đây, như: có khả năng chống chịu sâu bệnh, ít rụng trái, năng suất cao, ít công chăm sóc, có khả năng xử lý ra hoa theo ý muốn, thời gian bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch khoảng 2-3 năm.

Năm 2019, ông cho ra trái thử nghiệm, đã thu về hơn 8 tấn, được công ty thu mua giá 70.000 đồng/kg để xuất khẩu. Hiện công ty có nhu cầu 200 tấn trái mỗi tuần để xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng được.

Ngoài ra, công ty còn đặt 100.000 cây giống để xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu nông dân chấp nhận tham gia chuỗi ký kết bao tiêu sản phẩm, sẽ được hỗ trợ bán cây giống, phân bón trả chậm, có kỹ thuật viên hỗ trợ và được bao tiêu sản phẩm…

“Vùng hạ lưu sông Cửu Long được cung cấp phù sa hằng năm, có nước tưới tiêu, đặc biệt thời tiết phù hợp trồng rải vụ quanh năm nên chúng ta phải tận dụng để né tránh vùng trái cây khác trên thế giới. Khi né được thì mình sẽ biến vùng nguyên liệu của người ta thành thị trường tiêu thụ. Nếu ổn định thì tương lai giống nhãn này sẽ thay thế dần các giống nhãn tại Việt Nam”- ông nói.

Thanh Hùng
Ảnh: Bích Hạnh